Đào tạo nghề nông nghiệp – “Chìa khoá” giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang”
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể, chính trị xã hội ở địa phương đối với công tác dạy nghề. Đồng thời, đổi mới chương trình dạy nghề, điều tra, rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề cho phù hợp ở từng địa phương.
Lớp học nghề mây tre đan xuất khẩu cho chị em phụ nữ tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang |
Là huyện miền núi vùng cao, nông nghiệp là ngành sản xuất chính, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, trình độ dân cư và lợi thế địa hình, tự nhiên của các xã, huyện Chiêm Hóa đã lựa chọn các đối tượng tham gia các lớp học về trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, du lịch, các nghề khác….. Nhờ nội dung đúng và phù hơp về đối tượng, các kiến thức từ lớp học nghề, dạy nghề truyền thống đã được người dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh.
Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết: 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã mở 9 lớp dạy nghề cho trên 300 học viên tham gia. Các lớp được triển khai ngay tại xã, trong đó tập trung vào các thôn bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, dạy nghề mây tre đan, thổ cẩm... Sau khi được học nghề, nhiều lao động được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện; đồng thời áp dụng kiến thức để phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, dịch vụ du lịch cho thu nhập cao tại địa phương.
Cũng là địa bàn có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hàm Yên giảm từ 4.753 hộ xuống còn 3.362 hộ, giảm 4,75%. Thời gian qua, nhờ các chính sách, đề án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện và của các cấp, ngành, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, đóng góp công sức, trí lực, tài sản trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2024-2029, huyện Hàm Yên đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giảm bình quân từ 2-3%/năm. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân là 2,5%/năm; số lao động qua đào tạo người là người dân tộc thiểu số trên 46.000 người, chiếm 70%; giải quyết việc làm cho trên 12.000 người dân tộc thiểu số…Để thực hiện mục tiêu này, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề, huyện Hàm Yên sẽ tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng, xã hội hóa công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội gắn với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề tại các làng nghề truyền thống để bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang |
Thời gian qua, mặc dù còn nhiều những khó khăn chung, song tỉnh Tuyên Quang luôn xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời linh hoạt trong công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc thiểu số. Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Hiệu trường trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang chia sẻ: “Song song với công tác đào tạo nghề tại cơ sở giáo dục, nhà trường mở rộng. Các hoạt động hợp tác, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương làng nghề truyền thống mở các lớp đào tạo nghề cho người dân ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân ở vùng khó khăn.”
Có thể thấy, cùng với những thách thức mới thì những tín hiệu vui trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua chính là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thêm quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu sẽ tạo việc làm mới cho trên 22.250 người và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5% trong năm 2024.
Bế giảng lớp kỹ thuật trồng cây dưa leo tại xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang |
Theo Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Năm 2024 sẽ là năm phấn đấu để về đích sớm với những chỉ tiêu về lĩnh vực lao động việc làm và dạy nghề. Để làm được việc đó ngành Lao động Thương binh và xã hội tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc thiểu số từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm kiếm nhu cầu việc làm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tìm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh.”
Lao động nông thôn đặc biệt là lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo trước mắt là thay đổi tập quán sản xuất theo lối truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy làm nông nghiệp sang đổi mới với nghề phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch làng nghề, du lịch xanh. Từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của lao động, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo cho lao động nông thôn. Và học nghề dường như chính là 1 con đường ngắn nhất dẫn lối cho người dân đi từ lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, không hiệu quả sang cách làm mới, sáng tạo, quy mô và mang lại giá trị kinh tế cao hơn./.