Bạc Liêu: Chương trình OCOP phát huy hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Bạc Liêu hiện có 132 sản phẩm OCOP được công nhận và được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, trong đó có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 99 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Để có được kết quả này, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các chủ thể OCOP, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các tổ chức, HTX, đơn vị trực tiếp làm ra sản phẩm.
Lãnh đạo Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. |
Trong năm 2024, Bạc Liêu phấn đấu có thêm 20 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, năm 2024 tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Tỉnh đã chỗ trợ các chủ thể kinh phí ứng dụng máy móc thiết bị, thiết kế bao bì, đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản…Ngoài ra, khi có được thị trường tiêu thụ ổn định, một số chủ thể có sản phẩm OCOP đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm làm ra, đáp ứng được nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Theo ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các chủ thể khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm… Cùng với đó là tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, HTX, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu thị trường.
Chương trình OCOP đã tạo động lực để các địa phương phát triển kinh tế nông thôn. |
Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chương trình, tìm kiếm và tham gia các hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng nước ngoài, từng bước mở rộng xuất khẩu để giúp sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.
Việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại những thành công nhất định. Các sản phẩm OCOP ngày càng được quảng bá rộng rãi, hệ thống tiêu thụ được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các cơ sở, doanh nghiệp còn có cơ hội gặp gỡ trao đổi và ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác, khách hàng từ các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa.
Hơn 6 năm triển khai tại Bạc Liêu, Chương trình OCOP đã phát huy tính hiệu quả rõ rệt. Các sản phẩm hàng hóa chất lượng, có lợi thế ở địa phương ngày càng được nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn; trong đó, nhiều sản phẩm đã “xuất ngoại” sang các thị trường khó tính. Qua đó, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.