Định hướng phát triển chương trình OCOP TP. HCM sau sáp nhập
TP. HCM có 419 sản phẩm OCOP từ 152 chủ thể
Tại họp báo cung cấp tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. HCM ngày 03/7, ông Giang Ngọc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố cho biết, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống người dân.
![]() |
Ông Giang Ngọc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM chia sẻ định hướng phát triển chương trình OCOP |
Ở TP. HCM, chương trình OCOP triển khai chính thức từ năm 2019, ban đầu tập trung vào 05 huyện, sau đó mở rộng ra toàn bộ các quận, huyện và TP. Thủ Đức vào năm 2021. Chương trình đặt mục tiêu trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế mỗi địa phương, theo chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Tính đến ngày 30/6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM cho biết, ngành nông nghiệp Thành phố nói chung, đặc biệt OCOP nói riêng gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ, với 419 sản phẩm OCOP được công nhận từ 152 chủ thể. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực, hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo tập huấn mà Thành phố đã tăng cường thời gian qua, ông Luân nhận định.
Định hướng phát triển OCOP TP. HCM sau sáp nhập
Trong bối cảnh TP. HCM đang có 54 xã từ việc sáp nhập 02 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, những địa phương vốn nổi tiếng nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn, Thành phố đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chương trình OCOP. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM đã đưa ra định hướng cụ thể nhằm tối ưu hóa tiềm năng, biến thách thức thành cơ hội phát triển, bao gồm:
(1) Củng cố bộ máy quản lý chương trình OCOP ở cả cấp Thành phố lẫn cấp xã, đảm bảo sự điều hành thông suốt, hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ thể tham gia chương trình.
(2) Hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến nông và khoa học công nghệ để hỗ trợ các chủ thể là doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã tham gia OCOP. Chính sách được kỳ vọng sẽ giúp các chủ thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
(3) Rà soát, thống kê các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại các địa phương sau sáp nhập, giúp Thành phố có cái nhìn tổng thể về tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn. Từ đó, phát triển kế hoạch phù hợp, tránh chồng chéo, phát huy tối đa lợi thế từng vùng. Cũng theo ông Luân, những sản phẩm đặc trưng từ Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, vốn sở hữu thương hiệu và thị trường, sẽ là nguồn lực quý giá để bổ sung vào danh mục sản phẩm OCOP TP. HCM.
(4) Liên kết sản phẩm OCOP với phát triển du lịch - định hướng chiến lược quan trọng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việc kết hợp sản phẩm OCOP cùng tour trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng tại các địa phương ven biển, đặc khu hoặc vùng nông nghiệp đặc trưng không chỉ giúp quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn mà còn mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
(5) Tập trung nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 – 5 sao, hướng tới xuất khẩu. Bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm OCOP của TP. HCM đứng trước cơ hội vươn ra thị trường thế giới, mang lại nguồn thu ngoại tệ, nâng cao vị thế thương hiệu Việt Nam.
![]() |
Một chủ thể OCOP Bình Dương giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng |
Về phía Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM, đại diện Sở cho biết sẽ tiếp tục phối hợp UBND các xã, phường tổ chức hội nghị tập huấn cung cấp kiến thức chuyên sâu về mục tiêu, ý nghĩa, quy trình, hồ sơ đánh giá, phân hạng cho cán bộ phụ trách, lẫn chủ thể. Bên cạnh đó, Thành phố cam kết đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, sử dụng đa dạng hình thức như tờ rơi, cẩm nang, sổ tay, phóng sự trên truyền hình, phát thanh, báo đài,…đến đông đảo người dân, du khách. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố cũng tăng cường kết nối chủ thể OCOP với kênh phân phối, siêu thị, sàn thương mại điện tử, đặc biệt là lĩnh vực du lịch để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo ra chuỗi giá trị khép kín.
Tin mới hơn
Tin khác














