Bộ NN-MT: Phát triển du lịch sinh thái vùng dừa gắn với OCOP, làng nghề
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: “Nông nghiệp là nghề đẻ ra tất cả các nghề”
Ở cơ cấu ngành trồng trọt hiện nay, cây ăn quả đang nổi lên trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập nông dân, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Báo cáo tại diễn đàn, ghi nhận vào năm 2024, cả nước có khoảng 1,28 triệu ha cây ăn quả với 04 loại trái cây chủ lực gồm chanh dây, chuối, dứa, dừa, thể hiện tiềm năng vượt trội nhờ lợi thế tự nhiên, khả năng chế biến sâu. Mặc dù quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, Bộ NN-MT ước tính, đến nay mới chỉ có sầu riêng vươn lên thành mặt hàng “tỷ đô”, thể hiện qua kim ngạch 3,3 tỷ USD năm 2024. Nhiều trái cây truyền thống khác như thanh long có dấu hiệu sụt giảm, ở mức hơn 1 tỷ USD xuống còn 534 triệu USD. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết: Phải tái cơ cấu ngành hàng, đặc biệt tập trung thêm vào sản phẩm có tiềm năng như chuối (380 triệu USD), dừa (1,1 tỷ USD), dứa và chanh dây (172 triệu USD).
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng muốn phát triển nông thôn, du lịch sinh thái, thương mại nội địa hay xuất khẩu toàn cầu, tất cả đều phải bắt đầu từ nền tảng là nông nghiệp bền vững |
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trái cây Việt Nam khó có thể phát triển bền vững và vươn xa nếu tiếp tục duy trì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bất chấp sở hữu lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều mặt hàng chanh dây, chuối, dứa, dừa vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu liên kết chuỗi, chưa chế biến sâu, phát triển nông nghiệp thiếu tính bền vững. “Nông nghiệp là nghề đẻ ra tất cả các nghề. Muốn phát triển công nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, thương mại nội địa hay xuất khẩu toàn cầu, tất cả đều phải bắt đầu từ nền tảng là nông nghiệp bền vững,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Để cải thiện, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất tổ chức hoạt động sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chế biến. Cụ thể, ngành chuối cần nâng cao chất lượng củng cố vị thế thứ 9 toàn cầu; ngành dừa đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị; riêng dứa và chanh dây phải tận dụng các hiệp định thương mại điển hình EVFTA nhằm mở rộng thị trường. Giữa lúc xuất khẩu sầu riêng - mặt hàng chủ lực Việt Nam đang gặp khó, lãnh đạo Bộ NN-MT cho rằng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu chủ lực sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa” |
Phát triển du lịch sinh thái vùng dừa gắn với OCOP và làng nghề
Cũng tại diễn đàn, Bộ NN-MT đã công bố đề án phát triển 04 loại cây ăn quả chủ lực (chuối, dứa, dừa và chanh dây) vào năm 2030. Đối với cây chuối, diện tích ổn định khoảng 165.000 -175.000 ha tại các vùng sinh thái thuận lợi, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lớn đạt chuẩn VietGAP, hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến. Ngành sẽ đẩy mạnh chế biến sâu thành chuối sấy, bột chuối, đồ uống,…mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu sang các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu (EU).
Về cây dứa, Bộ đặt mục tiêu duy trì diện tích ở mức 55.000 - 60.000 ha, chú trọng áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ để cung cấp nguyên liệu ổn định phục vụ nhà máy, có thêm nhiều sản phẩm chế biến (đồ hộp, nước ép, mứt,…) tiếp cận người tiêu dùng EU. Riêng chanh dây, định hướng mở rộng diện tích lên 12.000 - 15.000 ha, sản lượng đạt 250.000 - 300.000 tấn. Trọng tâm phát triển các giống chanh dây kháng bệnh, chất lượng cao, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng: Mỹ, Hàn Quốc.
![]() |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố đề án phát triển triển du lịch sinh thái vùng dừa gắn với OCOP, làng nghề |
Đặc biệt, cây dừa phát triển theo hướng kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp, chế biến và du lịch sinh thái, ổn định diện tích từ 195.000 - 210.000 ha. Cụ thể, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Nam Trung Bộ áp dụng mô hình trồng xen canh, hướng đến nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh phát triển sản phẩm chế biến sâu (nước dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện,…). Ngành dừa sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái gắn kết các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Định hướng này được kỳ vọng giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra các mô hình kinh tế tổng hợp mang lại nhiều lợi ích.
Tin mới hơn

Tin khác













