Đồng hành cùng người dân địa phương
Kon Tum, vùng đất trù phú với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa độc đáo, đang chứng kiến nỗ lực đồng hành cùng nông dân của một chủ thể có đến 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh: Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (DATO). Chia sẻ cùng chúng tôi, bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: “Sau thời gian công tác tại Huyện ủy Đăk Tô, tôi nhận thấy địa phương sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh trù phú, giàu tiềm năng phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu hạ tầng kỹ thuật lẫn phương pháp khai thác bền vững khiến nguồn tài nguyên chưa được phát huy đúng giá trị. Sinh kế người dân phụ thuộc rừng, nhưng chưa thể sống khỏe nhờ rừng, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để biến tiềm năng thành cơ hội thực sự, vừa bảo tồn, vừa nâng cao thu nhập”.
 |
Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (ngoài cùng bên trái) luôn kiên định mục tiêu cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số |
 |
Theo chị Huệ, huyện Đăk Tô sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh trù phú, giàu tiềm năng phát triển kinh tế xanh, sinh kế người dân phụ thuộc rừng, nhưng chưa thể sống khỏe nhờ rừng |
 |
Giúp bà con nông dân cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng luôn là nỗi trăn trở lớn của doanh nghiệp |
Năm 2018, bà Huệ đã thành lập doanh nghiệp, tập trung phát triển vùng nguyên liệu khổ qua rừng (10ha) và sâm dây Ngọc Linh (4ha), đồng thời chế biến nhiều sản phẩm chất lượng cao như trà, mứt, bánh từ dược liệu. Kiên định phương hướng hỗ trợ người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, DATO xây dựng mô hình liên kết sản xuất chặt chẽ cùng hơn 400 hộ nông dân để phát triển gần 150ha vùng nguyên liệu sạch gồm các loại cây dược liệu (sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng, lạc tiên,...), gia vị (gừng, nghệ, ớt, chanh dây,...). Trong đó, 100% nguyên liệu đầu vào thu mua từ các hộ liên kết, bằng hình thức bao tiêu sản phẩm chất lượng cao, kiểm soát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Trà sâm dây Ngọc Linh, trà khổ qua rừng DATO, trà sâm lạc tiên DATO đều đạt OCOP 3 sao từ năm 2019 - 2021, được đánh giá lại hoặc nâng hạng năm 2024. Riêng sản phẩm tinh chất gừng nhân sâm mật ong, tinh chất sâm dây Ngọc Linh mật ong, tinh chất nghệ mật ong, tinh chất chanh dây nhân sâm mật ong đều xuất sắc đạt OCOP 4 sao vào năm 2025.
 |
DATO hiện có đến 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh Kom Tum |
 |
Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số, điển hình là phụ nữ, tham gia vào khâu sơ chế, chế biến |
 |
Bà Huệ cho biết, 100% nguyên liệu đầu vào được thu mua từ các hộ liên kết, bằng hình thức bao tiêu sản phẩm chất lượng cao, kiểm soát nghiêm ngặt |
Doanh nghiệp nhỏ - những đơn vị đang âm thầm cống hiến
Thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, đào tạo canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo đầu ra ổn định, doanh nghiệp cũng góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Nhiều hộ dân trồng thử nghiệm ban đầu mạnh dạn mở rộng diện tích, chuyển đổi sinh kế từ cây trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Bên cạnh vùng nguyên liệu, nhà máy đạt tiêu chuẩn ISO 2200:2018 rộng 1400m2 của DATO cũng tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 50 lao động địa phương mỗi tháng, ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số, điển hình là phụ nữ, tham gia vào các khâu sơ chế, chế biến. Việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa kết hợp hệ thống sản xuất hiện đại giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất quanh năm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng tầm giá trị nông sản Kon Tum trên bản đồ quốc tế.
 |
Không chỉ thị trường trong nước, sản phẩm chế biến từ dược liệu, gia vị, điển hình gừng tươi, gừng cạo vỏ cấp đông DATO đã có mặt tại Mỹ, Hàn Quốc, Úc, các nước Trung Đông |
 |
Không chỉ thị trường trong nước, sản phẩm chế biến từ dược liệu, gia vị, điển hình gừng tươi, gừng cạo vỏ cấp đông DATO đã có mặt tại Mỹ, Hàn Quốc, Úc, các nước Trung Đông |
Bà Huệ cho biết: “Xuất khẩu không chỉ là mục tiêu kinh doanh mà đã trở thành sứ mệnh đưa giá trị nông sản bản địa ra thế giới. Đến nay, các sản phẩm chế biến từ dược liệu, gia vị, điển hình gừng tươi, gừng cạo vỏ cấp đông DATO chính thức xuất hiện tại các thị trường tiêu chuẩn cao Mỹ, Hàn Quốc, Úc, các nước Trung Đông. Bước đi đầu tiên khẳng định năng lực sản xuất, tiềm năng thương hiệu của một doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế”. Giữa bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực hiện các chủ trương như Nghị quyết 68, doanh nghiệp vô cùng hưởng ứng, nhưng cũng thừa nhận đang đối mặt không ít thách thức. Rào cản kỹ thuật khắt khe trong kiểm soát dư lượng, yêu cầu về chứng nhận hữu cơ quốc tế, chi phí logistics tăng cao, tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân ở lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Mặc dù chính sách có nhiều chuyển biến tích cực, quá trình hiện thực hóa vào từng địa phương, từng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy.
 |
DATO đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất chặt chẽ cùng hơn 400 hộ nông dân để phát triển gần 150ha vùng nguyên liệu |
 |
Để phát triển bền vững, DATO cho rằng, địa phương nên chú trọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ – những đơn vị đang âm thầm giữ gìn, cống hiến, nâng tầm giá trị bản sắc nông sản Việt |
Với kinh nghiệm là đơn vị sở hữu 9 sản phẩm OCOP, DATO nhận thấy tiềm năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam nói chung, bao gồm sản phẩm chế biến sâu từ dược liệu bản địa như tinh chất sâm dây Ngọc Linh mật ong, tinh chất nghệ mật ong, tinh chất gừng nhân sâm mật ong vẫn rất lớn. Thế giới đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng sản phẩm tự nhiên, nguồn gốc rõ ràng, mang tính bản địa, gắn kết câu chuyện cộng đồng. Bà Huệ tin rằng, để phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp dược liệu cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, có chính sách “đi cùng doanh nghiệp nhỏ” – những đơn vị đang âm thầm giữ gìn, cống hiến, nâng tầm giá trị bản sắc nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.