Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu
Cam Lộ là một trong những huyện đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị, đến nay huyện đã xây dựng được 34 sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP 3 và 4 sao, chủ yếu là dược liệu. Điển hình các sản phẩm sản xuất, kinh doanh chế biến cây dược liệu, tinh dầu, trà cà gai leo, cao lá vằng, tiêu vùng Cùa được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao...
Hiện cà phê của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng được chứng nhận OCOP |
Ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ chia sẻ, những năm qua, để Chương trình OCOP đạt hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình đến với người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức các cuộc tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, triển khai chương trình OCOP. Huyện Cam Lộ cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP.
Trong khi đó, huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà đạt kết quả cao trong xây dựng Chương trình OCOP. Đến nay, huyện Triệu Phong có 19 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Huyện Hướng Hóa có 18 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Đặc biệt, trong số này Hướng Hóa có 1 sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp quốc gia (5 sao) là: Khe Sanh Coffee của Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh.
Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: Chương trình OCOP đã tạo chuyển biến rõ nét về giá trị sản phẩm, nâng tầm cho sản vật nông thôn, phát triển sản phẩm đặc sản, từ đó sản phẩm có đầu ra tốt hơn và giá thành cao hơn. Người dân nông thôn có thêm nhiều việc làm và có thu nhập ổn định.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 141 sản phẩm OCOP đạt các chứng nhận 3 sao và 4 sao. Trong số đó, có 43 sản phẩm 4 sao (gồm 2 sản phẩm đang đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá công nhận hạng 5 sao), 98 sản phẩm 3 sao. Tỉnh có 79 chủ thể OCOP, trong đó có 23 chủ thể là hợp tác xã, 22 chủ thể là doanh nghiệp và 25 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh. Quảng Trị hiện cũng có 9 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP.
Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã tích cực giới thiệu danh mục, thông tin sản phẩm OCOP tỉnh trên hệ thống ngành toàn quốc. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, qua đó đã giúp cho trên 95% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại trên hệ thộng siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế đặc sản vùng nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện, đồng thời khảo sát, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng, đúng tiêu chí chương trình OCOP của các xã để phát triển thành sản phẩm.
Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn |
Trong quá trình lựa chọn, ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của từng địa phương, có liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy giá trị văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ uy tín, thương hiệu OCOP.
Địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện có khoảng 10 cơ sở, hợp tác xã kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất dược liệu. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu như Công ty cổ phần dược liệu Bắc Hiền Lương, ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy đã quy hoạch được vùng trồng 50ha tràm; Công ty Lâm nghiệp Bến Hải quy hoạch vùng trồng 3 ha tràm...
Cùng với đó, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo vùng nguyên liệu để chế biến sâu các sản phẩm, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả.
Năm 2024, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu tràm gió lấy tinh dầu tại xã Vĩnh Tú và xã Vĩnh Chấp” với diện tích 4,3 ha. Đến nay, Vĩnh Linh có 14 sản phẩm OCOP, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao.
Huyện cũng đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu được chứng nhận hữu cơ, VietGAP và tương đương, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như hồ tiêu, lúa, chăn nuôi, cây ăn quả. Theo kế hoạch đến cuối năm 2025, huyện Vĩnh Linh có 20 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được chứng nhận, có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Hiện Cam Lộ đang duy trì ổn định 30 ha cây chè vằng, 17,5 ha cây an xoa, 10 ha cây cà gai leo, 5 ha cây tràm năm gân; đang trồng thử nghiệm cây quế, đàn hương, đinh lăng, hà thủ ô, ba kích tím,... để tạo ra vùng nguyên liệu cây dược liệu ổn định.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, xét thấy sự cần thiết xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ công nghiệp chế biến, phương châm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch vùng huyện, xây dựng kết nối nông - công - thương nghiệp bền vững. Đặc biệt, đầu tư phát triển mạnh sản phẩm OCOP về dược liệu; xây dựng Cam Lộ trở thành vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu có giá trị cao.
Ông Hoàng Minh Trí cho biết một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.