Cả nước hiện có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội tại một hội chợ. |
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công bố: Hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Hiện các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với số lượng sản phẩm OCOP chiếm 30,7% tổng số lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 18,3%, tiếp đến là miền núi phía Bắc chiếm 16,8%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với sản phẩm chiếm 5,8%.
Đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã (HTX), 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho hay: Hiện thành phố Hà Nội đã chứng nhận được 2.778 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.486 sản phẩm 4 sao, 1.274 sản phẩm 3 sao. Phấn đấu đến hết năm 2024, Hà Nội sẽ có khoảng 3.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
Để khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với những sản phẩm đạt từ 4 sao, 5 sao; Hà Nội, xác định trọng tâm cốt lõi trong phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô trong năm nay và những năm tiếp theo là tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đến tận cấp xã; rà soát, hỗ trợ tư vấn cho chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu tem nhãn bao bì, nâng hạng sao, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao; ưu tiên phát triển sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, sản phẩm có tiềm năng lợi thế về lịch sử văn hóa, sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với dịch vụ du lịch; sản phẩm OCOP làm quà tặng… hướng tới xuất khẩu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.
Nếu triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn, giúp tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn mà còn góp phần tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả bền vững hơn.