Thanh Hoá: Nguồn vốn tín dụng chính sách Góp phần phát triển Làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP
Huyện Thọ Xuân là một trong những địa phương có nhiều nghề, làng nghề truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, trước đây, nhiều mô hình sản xuất làng nghề còn nhỏ lẻ, nhiều hộ làm nghề thiếu vốn, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân (NHCSXH Thọ Xuân) đã bám sát chỉ đạo của địa phương thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn thực tế của các hộ vay để thực hiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho người dân, từ đó cải thiện cuộc sống, tạo ra nguồn vốn đầu tư ổn định hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Nguồn vốn chính sách đã tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với các làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP, như: phát triển nghề mộc dân dụng Thuận Minh, đan nón lá Thọ Lộc, miến và kẹo lạc Phú Xuân, bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa Xuân Lập...
Cán bộ NHCSXH Thọ Xuân kiểm tra tình hình sử dụng tín dụng chính sách tại xã Xuân Hồng. |
Gia đình anh Lữ Đăng Hùng, thôn 3 Yên Lược, xã Thuận Minh là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để phát triển nghề truyền thống. Được biết, nhờ số tiền vay hơn 100 triệu đồng của ngân hàng, gia đình anh Hùng đã mạnh dạn mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc chuyển hướng từ đóng các sản phẩm mộc truyền thống bằng thủ công sang sản xuất các loại nội thất, từ giường, tủ, bàn ghế đến kệ, đồ thờ bằng máy móc hiện đại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hiện tại, cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình anh thu về được khoảng hơn 300 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Hùng, mà nhiều gia đình làm nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Thọ Xuân đạt gần 650 tỷ đồng. Dư nợ tăng tập trung chính ở một số chương trình như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo,... Trong đó, riêng sản phẩm OCOP, toàn huyện đã có hàng chục hộ được vay vốn chính sách với số tiền hàng tỷ đồng. Đến nay, phần lớn các hộ đang phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho Nhân dân trên địa bàn huyện. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ nguồn vốn tín dụng là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phát triển làng nghề, ngành nghề và thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Đến nay, tổng số sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh trên địa bàn huyện là 32 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao. Sau khi được công nhận, các sản phẩm OCOP đã có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu...
Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong việc duy trì, phát triển nghề, các làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP cũng như công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Thời gian tới, NHCSXH Thọ Xuân tiếp tục thực hiện công tác tham mưu với UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi, rà soát đối tượng đủ tiêu chuẩn, có nhu cầu vay vốn, tổ chức bình xét cho vay công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Trong đó, ngân hàng tiếp tục quan tâm triển khai cho vay phát triển các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chú trọng đưa dịch vụ tới tận thôn, xóm, khu dân cư thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn để mang lại cho người dân tiện ích, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, XDNTM theo hướng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.