Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP
Tham dự Lễ khai mạc có sự tham gia của bà Phạm Thị Nguyên Hạnh, Phó bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan TP. Hà Nội; ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA); ông Đặng Văn Triều, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND Huyện; ông Lê Chí Hòa, Ủy viên thường vụ, Chủ tịch HĐND Huyện; ông Đặng Văn Cảnh, uỷ viên thường vụ, phó chủ tịch thường trực UBND huyện; ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các cơ quan, đơn vị của các tỉnh, thành phố có gian hàng tham gia...
Đại diện TP. Hà Nội, HPA, Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cùng đại diện các cơ quan, đơn vị của các tỉnh, thành phố cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm tại huyện Mỹ Đức. |
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc HPA cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thực hiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Mỹ Đức từ ngày 29/02 – 03/3/2024 (04 ngày), kết hợp quảng bá du lịch Lễ hội Chùa Hương năm 2024.
Chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến người tiêu dùng Thủ đô; đồng thời kết nối giữa các nhà sản xuất của các tỉnh, thành với các kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; Đây cũng là hoạt động xúc tiến nông nghiệp thiết thực, điểm nhấn mua sắm an toàn của người dân Thủ đô và du khách khi đến với Lễ hội Chùa Hương.
Đại diện TP. Hà Nội, HPA, UBND huyện Mỹ Đứ ccùng đại diện các cơ quan, đơn vị của các tỉnh, thành phố đi tham quan các gian hàng tại Hội chợ triển lãm. |
Chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Hội chợ quy tụ sự tham gia của khoảng 120 doanh nghiệp (DN), HTX, chủ thể OCOP của 22 tỉnh/thành, địa phương trong cả nước cùng về trưng bày, giới thiệu sản phẩm như Ninh Bình, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bắc Giang, Lâm Đồng, Nghệ An, Đắc Nông, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bình Dương, Bình Phước, Hà Giang, Sơn La và thành phố Hà Nội.
Với quy mô khoảng 110 gian hàng, trên 1.000 dòng sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại đây là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền của các địa phương; sản phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Sản phẩm trưng bày, bán được ghi rõ giá bán, có nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, mẫu mã bao bì đẹp.
HPA "tiếp sức" doanh nghiệp quảng bá nông sản OCOP, du lịch dịp Tết Nguyên đán 2024 |
“Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP sẽ là một hoạt động thiết thực phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của du khách khi đến với Chùa Hương, góp phần quảng bá giá trị văn hoá Lễ hội chùa Hương và giá trị quần thể khu Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện Mỹ Đức. Việc tổ chức Hội chợ cũng hướng đến mục tiêu quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của mảnh đất, con người Mỹ Đức; thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện; Tạo điểm nhấn kích cầu mua sắm an toàn trong dịp Lễ hội Chùa Hương 2024, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”” ông Quang nhấn mạnh.
Ghi nhận và đánh giá cao việc HPA chủ trì, phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Mỹ Đức cùng thời điểm với Lễ hội Chùa Hương có ý nghĩa rất thiết thực. Bà Nguyễn Thị Dung, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH sản xuất Thương mại, Dịch vụ Khánh Thọ cho rằng: Đây là cơ hội để huyện Mỹ Đức quảng bá các tiềm năng du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời giúp các doanh nghiệp, HTX, đặc biệt các nhà phân phối tăng cường đẩy mạnh giao thương, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Hợp tác xã trà Minh Đeng chế biến trà dùng thử tại chỗ. |
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Trên địa bàn huyện hiện có 44 sản phẩm OCOP được Thành phố, huyện công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có trong đó có 01 sản phẩm 5 sao (của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức), 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao; 20 sản phẩm đạt 3 sao); có 6 làng nghề được Thành phố công nhận,... Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc trưng như: Rau sắng chùa Hương, Mơ Hương Tích, rượu mơ Hương Tích, bánh củ mài...
Mỹ Đức là huyện có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích phong phú; được quy hoạch là vành đai xanh của Thành phố... là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất nông nghiệp, du lịch dịch vụ - thương mại; trong đó, nhóm ngành du lịch, dịch vụ - thương mại chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ - thương mại; ngành du lịch dịch vụ luôn được quan tâm xây dựng và là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Cũng theo ông Trang, trên địa bàn huyện có nhiều khu du lịch nổi tiếng và thân thiện với môi trường xanh, sạch, đẹp như: Du lịch sinh thái tổng hợp Hồ Quan Sơn, khu du lịch An Dưỡng Đường Tuy Lai, cánh đồng Sen An Phú, Làng nghề Dệt Phùng Xá (xã Phùng Xá) với các sản phẩm dệt, lụa tơ tằm, lụa tơ Sen và khu di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn (Chùa Hương) hàng năm đón trên 1 triệu lượt du khách về thăm quan, trẩy hội, tạo nên bức tranh đẹp, trữ tình và nên thơ của Mỹ Đức anh hùng, là vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội.
Người dân, du khách đi tham quan mua sắm Hội chợ triển lãm. |
Chương trình “Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với Lễ hội Chùa Hương năm 2024” tại huyện Mỹ Đức được tổ chức là sự động viên, khuyến khích rất kịp thời để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, sản xuất và du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung với các Tỉnh lân cận trong cả nước, nhằm góp phần mở rộng thị trường, tạo đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và làng nghề kịp thời nắm bắt các cơ hội để giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, cùng xu thế phát triển củahuyện, Thành phố và đất nước” ông Trang khẳng định.
Được biết, bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phầm, trong các ngày diễn ra Hội chợ còn có các hoạt động quảng bá, kết nối, chế biến dùng thử sản phẩm tại chỗ; các hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa dân tộc, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc địa phương ...Ngoài việc tổ chức các khu gian hàng, Ban Tổ chức sẽ bố trí các mô hình tiểu cảnh nông nghiệp gắn kết du lịch và các mô hình, tiểu cảnh, pano gắn với chủ đề Xuân và Lễ hội Chùa Hương 2024 để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí và check in của du khách.