Thanh Hóa: Chương trình OCOP - cơ hội cho những sản phẩm mới
Huyện Hoằng Hóa có lợi thế về khai thác và nuôi trồng thủy sản nên trong số 12 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện có 7 sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản, chiếm 58,3% và 3 sản phẩm mới gồm: 2 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo và sản phẩm rượu sim rừng Bảo An. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo là sản phẩm mới, không thuộc danh sách sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, năm 2018, sau khi tỉnh, huyện triển khai Chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất đã mạnh dạn đăng ký, đầu tư hệ thống nhà xưởng, kỹ thuật và mẫu mã sản phẩm để tham gia chương trình. Với sự quyết tâm cao, sản phẩm đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo là 2 trong số 7 sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện được công nhận trong giai đoạn 2018-2020. Tiếp đó năm 2021, là rượu sim rừng Bảo An. Những sản phẩm mới khi tham gia vào Chương trình OCOP luôn có “sức bật” khá lớn. Bởi đó là những sản phẩm nằm trong xu hướng, thị hiếu của thị trường và được các chủ thể chú trọng đầu tư phát triển về công nghệ, quy mô sản xuất và kỹ năng truyền thông, quảng bá.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình anh Nguyễn Hữu Tấn, ở Khu du lịch Hải Tiến, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) là 1 trong 15 sản phẩm, ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020 và là 1 trong 2 cơ sở đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo. Anh Tấn đã đầu tư cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo với quy mô phòng cấy giống 35m2, phòng ủ tơ 62m2, phòng nuôi trồng 256m2... bảo đảm tiêu chuẩn về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, có đầy đủ các thiết bị cho quy trình sản xuất. Sau thời gian ngắn, cơ sở của anh đã cung cấp ổn định cho thị trường các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sản phẩm khô và rượu đông trùng hạ thảo. Anh Tấn cho biết: Từ thành công trong sản xuất, tôi đã tham gia vào Chương trình OCOP. Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, lượng tiêu thụ tăng 2 lần so với trước khi tham gia và được huyện tạo điều kiện quảng bá, trở thành một trong những sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến.
Hiện nay, trong hệ thống 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, bên cạnh những sản phẩm gắn với các nghề, làng nghề truyền thống, như: bánh gai Lâm Thắm của làng nghề bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), chiếu dệt tay thủ công và thảm cói trải sàn thuộc làng nghề dệt chiếu cói Nga Thanh (Nga Sơn), trống đồng Quý Châu, trống đồng Toàn Linh gắn với làng nghề đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa)... còn có hàng chục sản phẩm mới đã có sức bật mạnh mẽ. Tiêu biểu, như: sản phẩm tổ yến sào, tổ yến chưng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc), ống hút tre của Công ty TNHH VibaBoo (Thường Xuân), nước rửa chén, nước giặt FUWA của Công ty TNHH FUWA Biotech (TP Thanh Hóa)... Những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu của thị trường đã được các chủ thể đầu tư khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất và xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp nên doanh thu, lợi nhuận của các sản phẩm đều tăng từ 2 - 2,5 lần trở lên so với trước khi tham gia chương trình. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh, cho biết: Là một sản phẩm mới, để phát triển thành sản phẩm thương hiệu là quá trình khó. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu, công ty đã mở rộng quy mô nuôi chim yến, liên kết chuyển giao công nghệ nuôi và bao tiêu sản phẩm tổ yến thô cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh. Nhờ tạo được nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm yến chưng dạng hũ, tổ yến để cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Chiến lược quảng bá phù hợp, chất lượng bảo đảm nên sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Cùng với đó, khi được công nhận là sản phẩm OCOP chất lượng 4 sao của tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm được cấp thêm chứng nhận, bảo đảm về chất lượng nên số lượng tiêu thụ tăng cao. Qua đó, 10 tháng năm 2021, doanh thu của công ty đạt khoảng 4,2 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ.
Có thể khẳng định rằng, việc gia nhập, khẳng định uy tín, chất lượng của hệ thống sản phẩm mới đã làm phong phú, nâng tầm cho tổng thể Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa. Điều này không chỉ khẳng định tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mà còn cho thấy sự chủ động của các tổ chức, cá nhân khi tham gia chương trình. Cùng với đó, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương cũng chú trọng đến việc hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm mới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ trí tuệ. Nhờ đó, thông qua những hội chợ, triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức đã tạo động lực để những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận và ổn định sản xuất, việc làm cho người lao động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Lê Hòa