TP.HCM đặt mục tiêu quận nào cũng có sản phẩm OCOP
UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố.
So với giai đoạn trước, Chương trình OCOP tại TP.HCM hiện nay mở rộng phạm vi ra tất cả các quận và TP.Thủ Đức, chứ không chỉ tập trung tại 5 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.
UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức và các quận xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hàng năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, quy trình thực hiện Chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn biết và tham gia chương trình.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM cũng giao chỉ tiêu cho TP.Thủ Đức và quận, cụ thể đăng ký ít nhất từ 3 - 4 sản phẩm/quận được công nhận sản phẩm OCOP. Thành phố khuyến khích mỗi quận, TP.Thủ Đức có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao; mỗi phường có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Về phía 5 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, UBND TP.HCM giao các huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hướng dẫn mỗi xã, thị trấn đăng ký bình quân phát triển ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP/xã, thị trấn và ít nhất 2 sản phẩm 4 sao/huyện.
Các huyện được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chủ thể đã được công nhận sao nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, UBND 5 huyện phải rà soát hiệu lực công nhận sao của các sản phẩm để thông tin đến các chủ thể đăng ký lại nếu có nhu cầu hoặc đề xuất nâng hạng sao hoặc thông báo hết hiệu lực giấy chứng nhận nếu chủ thể không có nhu cầu.
UBND TP.HCM cũng giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phân công cán bộ phụ trách, hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo từng địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức.
Hàng năm, Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát hồ sơ trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố, trình UBND Thành phố công nhận sản phẩm 4 sao định kỳ 2 lần mỗi năm.
Chương trình OCOP (viết tắt của One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) bắt nguồn tại Nhật Bản từ những năm 1970. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập kinh nghiệm và triển khai thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.
Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, Việt Nam chính thức đưa OCOP trở thành chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm tìm kiếm những sản phẩm địa phương nhằm phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế khu vực nông thôn.
Sản phẩm OCOP được xác định sẽ giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình OCOP cũng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.