Bình Dương: Phát triển chương trình OCOP với 274 sản phẩm được công nhận
Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, vào năm 2024, tỉnh đã có tổng cộng 155 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đến từ nhiều ngành hàng khác nhau, phản ánh sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng đặc trưng. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao là Mật ong Thanh Hảo (huyện Bắc Tân Uyên) của Công ty TNHH Ong mật Thanh Hảo và chuối Unifarm (huyện Phú Giáo) thuộc về Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I.
![]() |
Nhóm OCOP nông sản của tỉnh Bình Dương chiếm 12,26%, với tổng cộng 19 sản phẩm được công nhận năm 2024 |
Nhóm nông sản ghi nhận chiếm 12,26% trên tổng số sản phẩm OCOP được công nhận năm 2024, với 19 sản phẩm. Điển hình có thể kể đến sầu riêng Phú An Khương (Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất và kinh doanh Phú An Khương; bưởi da xanh Út Lê (Hộ kinh doanh Châu Văn Lợi); nấm mối đen tươi (Hợp tác xã Nấm Ngon Việt); Dưa lưới Phước Sang (Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thà);… Nhóm ngành đồ uống có 10 sản phẩm (chiếm 6.45%), bao gồm: Nước yến sào Datafa, nước dừa xiêm tươi Datafa (Công ty TNHH DATAFA) và Rượu bưởi (Công ty TNHH MTV Dược Vũ Nhật Nam);…
Là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong danh sách OCOP của tỉnh Bình Dương, nhóm ngành Thực Phẩm có 92 sản phẩm (chiếm 59.18%) được công nhận. Các sản phẩm này chủ yếu là những món ăn chế biến sẵn hoặc có nguồn gốc từ nguyên liệu tươi sống như: Chả lụa Phú Mỹ, nem nướng sả, chả bì ớt xiêm (Công ty TNHH TM SX Thực phẩm Phú Mỹ A); bánh bông lan trứng muối (Công ty TNHH Ba Con Gấu); bánh Cookies hạnh nhân (Hộ kinh doanh Tiệm bánh YoYo Nữ ) và gà nướng mật ong (Hộ kinh doanh Hệ thống gà Thái Tuấn).
Với 34 sản phẩm, chiếm 21.94% tổng số sản phẩm OCOP, nhóm ngành thủ công mỹ nghệ của Bình Dương đang ngày càng khẳng định vị thế với những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh. Điển hình phải kể đến các tác phẩm bình, tranh, ly giữ nhiệt sơn mài từ Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa. Theo ông Văng Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng vào việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống cũng như tạo ra cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn.
![]() |
Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chứng nhận OCOP tại Bình Dương đóng vai trò quan trọng vào việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống cũng như tạo ra cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn |
Cũng theo ông Hậu, chứng nhận OCOP là bước tiến lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, đồng thời giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn. Sự đa dạng của các nhóm ngành không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn tạo cơ hội xuất khẩu, góp phần nâng cao thương hiệu của tỉnh trên bản đồ Việt Nam. Với các sản phẩm chất lượng, gắn liền với giá trị văn hóa truyền thống, Bình Dương đang ngày càng khẳng định sự phát triển bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn. Địa phương kỳ vọng thời gian tới, các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục chinh phục thị trường trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân tỉnh nhà.
Tin mới hơn
Tin khác













