Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sản phẩm OCOP còn thiếu phần "hồn"
Chương trình xây dựng NTM còn gặp nhiều vướng mắc
Tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, tính đến ngày 20/10/2024, đã có 6.320/8.162 xã (77,4%) được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đạt chuẩn NTM. Cả nước cũng ghi nhận 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn NTM.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị |
Tuy nhiên, ý kiến từ đại diện lãnh đạo phụ trách trực tiếp chương trình phát triển NTM tại các địa phương phản ánh rằng, trong quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn thông tin, tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM và đặt mục tiêu năm 2024 sẽ có thêm 11 xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, các xã còn lại chủ yếu thuộc khu vực III - vùng đặc biệt khó khăn, khiến việc hoàn thiện các tiêu chí NTM còn bị vướng nhiều khâu. Người dân tại những xã này sống rải rác, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện và đời sống kinh tế còn nhiều hạn chế, làm chậm quá trình nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện Sở NN&PTNT Nghệ An, cho biết dù huyện Nam Đàn đã được chọn để xây dựng NTM kiểu mẫu, nhưng do nguồn hỗ trợ và nguồn lực địa phương còn hạn chế, mục tiêu đưa huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2025 có nguy cơ khó hoàn thành.
Ngoài ra, các huyện miền núi của tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM nhưng lại bị cắt giảm các chương trình hỗ trợ về giáo dục và bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, tiêu chí về nước sạch và môi trường lại không được bao gồm trong chương trình đầu tư công, đặc biệt là tại các khu vực miền núi.
“Do đó, Bộ cần kiến nghị với Nhà nước để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm đảm bảo người dân tại các vùng khó khăn này không bị tái nghèo và có thêm động lực hoàn thành mục tiêu NMT”, ông Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cũng chia sẻ tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Một số xã nằm trong mục tiêu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024-2025 nhưng lại vướng vào quy hoạch bôxit, khiến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa, và đường sá bị đình trệ, dẫn đến chậm tiến độ. Đặc biệt, đây là các tiêu chí bắt buộc trong quá trình xây dựng NTM.
Hiện tại, Bình Phước vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thêm Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng NTM nâng cao không cho phép sử dụng vốn Trung ương, mà chỉ được sử dụng vốn từ địa phương. Đây là một thách thức lớn đối với tỉnh, bởi nguồn lực địa phương còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để tạo đà cho các địa phương trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao…
Phát triển sản phẩm OCOP để hỗ trợ hộ nghèo
Lắng nghe các ý kiến; phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2024, cần nỗ lực để các xã NTM nâng cao và huyện NTM đã đăng ký hoàn thành đúng thời hạn, bởi cả nước đã mất quá nhiều thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và bão số 3 vừa qua.
Riêng với tiêu chí về môi trường, hiện vẫn còn gặp khó khăn vì công tác xử lý môi trường vẫn chưa có sáng kiến vượt qua các quy định cứng, dẫn đến hiệu quả môi trường chưa đạt yêu cầu cao.
Theo Bộ trưởng, trong chương trình OCOP, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, dẫn đến những hạn chế như việc tái đăng ký và đăng ký sản phẩm OCOP 5 sao còn kéo dài. Sản phẩm OCOP hiện phần lớn vẫn còn mỏng manh do thiếu “hồn” của sản phẩm, khiến việc tiêu thụ và cạnh tranh trên thị trường gặp khó khăn.
Thời gian tới, đối với các huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các địa phương cần phấn đấu để mỗi huyện có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tạo động lực cho các xã khác trong huyện phấn đấu noi theo. Ông cho rằng việc tổ chức thực hiện các chương trình NTM cần cụ thể và gắn liền với thực tiễn để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho người dân và địa phương.
Liên quan đến tiêu chí giảm nghèo đa chiều, cần tiến hành rà soát và phân tích kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân người dân địa phương gặp khó khăn là do thiếu hụt hay nghèo ở “khía cạnh nào”, từ đó có thể tính toán và hỗ trợ phù hợp. Chẳng hạn, nếu một hộ gia đình nghèo do thu nhập thấp, cần tìm giải pháp để cải thiện đời sống thông qua phát triển sản phẩm OCOP hoặc hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho người dân. Để đạt được điều này, các vấn đề về phát triển hợp tác xã và công tác khuyến nông cần được thực hiện đồng bộ.