Thanh Hoá: Tăng cường đào tạo nghề cho lao động làng nghề vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Ngày 27/6/2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch số 178/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023 – 2025. Xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, truyền nghề, dạy nghề mới tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Công tác đào tạo nghề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nghèo tỉnh Thanh Hóa |
Mục tiêu chính của kế hoạch nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, một trong những lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025; góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp, khôi phục phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch xanh – sinh thái. Đào tạo nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.
Khai giảng lớp đào tạo nghề cho người lao động tại xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành |
Đến nay sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch 178/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút nhiều người tham gia. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Làng nghề Việt Nam, ông Bùi Văn Thuần – Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thành cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Năm 2024 UBND huyện đã xây dựng kế hoạch để triển khai công tác đào tạo nghề dưới 03 tháng cho người lao động, đến thời điểm hiện tại đã tổ chức được 27 lớp cho 857 người lao động, (Trường trung cấp nghề huyện đào tạo 04 lớp với 98 học viên. Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trường Đại học Hồng Đức 23 lớp với 759 học viên); dự kiến đến cuối năm sẽ thực hiện phối hợp để đào tạo thêm 04 lớp với 140 người, đưa tổng số người lao động được đào tạo nghề năm 2024 là 997 người.
Tập huấn cho các hộ về kỹ năng chăn nuôi và diều trị bệnh cho súc |
Từ năm 2023 đến nay huyện Quan Sơn là huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá đào tạo nghề theo Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số 52 lớp với 1.661 học viên. Loại hình nuôi cá nước ngọt 2 lớp = 70 học viên; nuôi phòng và trị bệnh cho gia súc 33 lớp = 1.027 học viên; nuôi phòng và trị bệnh cho gia cầm 17 lớp = 564 học viên. Đào tạo nghề theo Chương trình giảm nghèo bền vững gồm 7 lớp = 243 học viên. Loại hình nuôi ong mật 4 lớp = 138 học viên; hàn điện 1 lớp = 35 học viên; nuôi phòng và trị bệnh cho gia cầm 1 lớp = 35 học viên; trồng cây ăn quả 1 lớp = 35 học viên. Với các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan huyện chỉ đào tạo, dạy nghề, truyền nghề tại chỗ để dóp phần bảo tồn gìn giữ nghề truyền thống.
Tương tự, huyện miền núi Bá Thước đã thực hiện hỗ trợ dạy nghề nông nghiệp cho 1.458 lao động nông thôn, lao động làng nghề trong đó 168 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp; 1.290 lao động là dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2024 đào tạo nghề nông nghiệp 13 lớp cho 455 người chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn cho 40.000 lượt lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 55%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%. |