Chắp cánh cho sản phẩm OCOP
Vượt mục tiêu 10.000 sản phẩm
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến, sau hơn 5 năm triển khai Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là 10.000 sản phẩm. Chất lượng các sản phẩm OCOP đã từng bước được cải thiện nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.
Tất cả các sản phẩm OCOP đều đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Một số sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế như của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Nhiều sản phẩm OCOP 5 sao đã vươn ra thị trường thế giới.
Nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng cả hình thức truyền thống và trực tuyến, nhiều sản phẩm đã vượt ra khỏi phạm vi các tỉnh, huyện. Từ đầu năm 2019, sau khi Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí và hệ thống các điểm phân phối sản phẩm OCOP, đến nay, cả 63 tỉnh, thành phố đều có các điểm bán hàng góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng.
Cùng với đó, các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op đã phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, tuần lễ quảng bá nông sản hàng OCOP tại hệ thống Saigon Co.op…
Nhiều phiên chợ livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam, đồng thời sản phẩm OCOP còn được tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã triển khai hơn 800 phiên chợ với doanh thu lên tới 100 tỷ đồng và 300 triệu lượt người xem.
Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng Đào Đức Hiếu, chủ sở hữu sản phẩm chè Suối Giàng đạt OCOP 4 sao của tỉnh Yên Bái cho biết, sản phẩm đã được phân phối đa kênh như siêu thị, sàn thương mại điện tử, đồng thời tiếp cận khách hàng qua các hoạt động trải nghiệm, tại các khách sạn 5 sao hay sân bay…
Thúc đẩy đa kênh phân phối
Dù sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, song theo các chuyên gia, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhất là vươn ra thị trường thế giới, còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về giá trị, nét đặc sắc, yếu tố văn hóa.
Nguyên nhân là bởi quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, sản phẩm chế biến còn ít, sức cạnh tranh hạn chế. Việc quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng. Trình độ quản trị của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh chưa cao.
Là sàn thương mại điện tử đã đưa 8.000 sản phẩm OCOP của cả nước lên tiêu thụ song theo Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) Nguyễn Thế Anh, sản phẩm OCOP còn nhiều điểm hạn chế trong thiết kế hình ảnh, nhận diện thương hiệu; khả năng bảo quản, vận chuyển cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ các hộ sản xuất chứng thực sản phẩm chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Hoa Quân cho rằng, dù có hơn 11.000 sản phẩm OCOP, nhưng thực tế số địa phương có điểm tập trung giới thiệu sản phẩm phục vụ du khách chưa nhiều. Để tận dụng kênh tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ thông qua du khách trong và ngoài nước, cần có nhiều điểm trải nghiệm sản phẩm OCOP ở các điểm đến tại địa phương.
“Nếu sản phẩm chỉ bày trên kệ thì chưa hấp dẫn nhiều du khách. Cần tạo trải nghiệm, giúp du khách đến nơi sản xuất, nhìn trực tiếp để cảm nhận sản phẩm, khi ấy họ không những mua về làm quà mà còn lan tỏa hình ảnh sản phẩm rất hiệu quả”, ông Hoàng Hoa Quân nêu.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, cần tiếp tục duy trì, phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Đồng thời, giải pháp là đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, cần tiếp tục truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; bên cạnh đẩy mạnh quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.