TP.Hồ Chí Minh: Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ sản phẩm OCOP
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Tính đến tháng 12/2024, thành phố hiện sở hữu hơn 24.800 website TMĐT bán hàng, chiếm gần 47% tổng số website TMĐT trên cả nước.
Báo cáo từ Sở Công Thương TP. HCM, hơn 300 sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trên toàn quốc qua livestream |
Ngoài ra, thành phố còn đứng đầu về số lượng ứng dụng TMĐT bán hàng, với 305 ứng dụng chiếm khoảng 45% tổng số ứng dụng trên toàn quốc. Tỷ lệ sử dụng tên miền “.vn” tại đây cũng cao nhất cả nước, đạt hơn 206.000 tên miền, chiếm gần 33% tổng số tên miền quốc gia. Trong năm 2024, TMĐT tại TP. HCM đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng đạt 52%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (42%). Các nền tảng như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, và Tiki đã tạo ra một hệ sinh thái TMĐT sôi động, thúc đẩy các hoạt động giao dịch trực tuyến, trong đó có các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của thành phố và các tỉnh thành khác.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP. HCM) cho biết, trong nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố đã triển khai nhiều chương trình kết nối TMĐT với các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Một trong những sự kiện nổi bật là chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trong năm 2024, đã kết nối hơn 300 sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trên toàn quốc qua livestream. Chương trình thu hút gần 24,5 triệu lượt xem và gần 7.600 đơn hàng, cho thấy sức mạnh của TMĐT trong việc kết nối các sản phẩm đặc trưng của các địa phương với thị trường rộng lớn.
Đặc biệt, trong khuôn khổ “Tuần lễ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền”, thành phố đã giúp hơn 100 nhà bán sản phẩm OCOP quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng và tiếp cận khách hàng ở các khu vực khác ngoài TP. HCM.
TP. HCM đã triển khai nhiều chương trình kết nối TMĐT với các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền |
Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của thương mại điện tử, đại diện Sở Công Thương TP. HCM cho biết đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về TMĐT. Nổi bật là các chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT cho cán bộ công chức, viên chức, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Thành phố. Thành phố còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng trực tuyến, hỗ trợ về kỹ thuật và kết nối với các nền tảng TMĐT toàn cầu như: Alibaba, Amazon,... Các chương trình xúc tiến thương mại xuyên biên giới cũng được đẩy mạnh, với các hội nghị kết nối giao thương giữa TP. HCM và các đối tác quốc tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển TMĐT trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, TP. HCM sẽ tiếp tục tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường TMĐT, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến, từ sản xuất đến phân phối. Các giải pháp về logistics và thanh toán điện tử cũng sẽ được chú trọng nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả vận hành và giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự minh bạch trong các giao dịch.
Thương mại điện tử đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế số của TP. HCM. Bằng việc kết nối các sản phẩm OCOP với nền tảng TMĐT, Thành phố không chỉ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm Việt, mở rộng thị trường xuất khẩu. Những nỗ lực này sẽ tạo đà cho sự phát triển bền vững của TMĐT và nền kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.