Quảng Nam phát triển nhiều sản phẩm OCOP từ làng nghề
Sản phẩm làng nghề - còn nhiều việc phải làm
Tính đến nay Quảng Nam có 24 sản phẩm OCOP hạng 3 sao được phát triển từ các sản phẩm nghề thủ công, làng nghề. Với 400 sản phẩm OCOP, 40 nghề, làng nghề (không kể các làng nghề chưa được công nhận), có nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo (như mộc mỹ nghệ, gốm nghệ thuật…) thì số lượng kể trên là không nhiều và cũng chưa có sản phẩm nào được xếp hạng cao.
Kẹo đậu phộng vốn là thứ quà quê dân dã được anh Đặng Ngọc Hải (xã Quế An, Quế Sơn) nâng tầm thành sản phẩm OCOP |
Bên cạnh nguyên nhân nhiều chủ thể sản xuất ở các làng nghề không tham gia chương trình OCOP, còn có nguyên nhân khác là nếu thực hiện đúng chu trình và chấm chọn nghiêm túc theo đúng các tiêu chí thì sản phẩm OCOP thực sự đạt nhiều yêu cầu cao, không dễ để có sản phẩm hạng 4 sao, 5 sao. Điều này cũng gián tiếp nói lên rằng, còn rất nhiều việc phải làm để các sản phẩm nghề và làng nghề của tỉnh tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Bước đầu các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm phát triển từ nghề, làng nghề đã tạo được niềm tin, thu hút được người tiêu dùng; nhất là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được tin tưởng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại không phải là sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm như hương quế, hương trầm (Hà Lam), phở sắn (Quế Sơn), khăn lụa Mã Châu, nước mắm Cửa Khe… đã được nhiều nơi biết đến.
Tuy nhiên, để được bản sắc như khi nói mỳ Quảng ai cũng biết đó là đặc sản của Quảng Nam (mà không phải Quảng Ngãi, Quảng Bình…), bê thui sẽ nhắc nhớ đến Cầu Mống, là không hề dễ dàng; ngoài là món ngon riêng có, còn đòi hỏi thời gian dài xây dựng thương hiệu.
Mặt khác, các sản phẩm OCOP giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng bị trùng lắp nhiều và đặc trưng vùng miền chưa thực sự rõ nét, cũng là một hạn chế để mở rộng thị trường và tạo dấu ấn vùng miền trên thương trường.
Phát triển sản phẩm - trọng tâm làng nghề
Mỗi làng nghề ít nhiều đều được người tiêu dùng biết tiếng. Và nếu cùng một sản phẩm được bán ở nhiều nơi, người mua sẽ ưu tiên chọn mua nó ở làng nghề. Tương tự, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng hơn sản phẩm cùng loại không phải là sản phẩm OCOP.
Anh Đặng Ngọc Hải (bên trái) tại hội chợ trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam. |
Một điểm yếu là bản thân làng nghề không phải là chủ thể để có thể tổ chức sản xuất kinh doanh mà có nhiều chủ thể, và các sản phẩm của làng nghề không đồng nhất để đáp ứng một đơn hàng. Do vậy, hoàn chỉnh, nâng cấp, phát triển các sản phẩm của làng nghề thành sản phẩm OCOP, lợi thế mỗi bên như vừa nêu sẽ tác động tương hỗ, tạo lợi ích kép giúp nâng cao hơn uy tín làng nghề, sản phẩm.
Có thể nói, trong tình trạng duy trì hết sức khó khăn, nhiều làng nghề thực chất đã không còn hoạt động sản xuất sản phẩm mà phải mua sản phẩm cùng loại của nơi khác về để bán. Nếu có được những chủ thể là các hợp tác xã, doanh nghiệp (có chủ cơ sở nghề tham gia cổ phần) phát triển các sản phẩm của làng nghề thành sản phẩm OCOP chính là một giải pháp hiệu quả để vực dậy và phát triển làng nghề.