Bắc Giang: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Hàng trăm sản phẩm OCOP
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bằng các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu linh hoạt, có thể nhận thấy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng mở rộng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tác động tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, còn lại đạt từ 3 sao trở lên.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang. |
Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế, rượu Vân, cam Lục Ngạn...; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, Global GAP, HACCP...
Một số sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như: Sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (XNK) VIFOCO xuất sang thị trường Hàn Quốc; các sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường EU; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc, Cộng hòa Séc...; Bánh nông sản Bình Minh của HTX Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đây chính là động lực để cổ vũ, thúc đẩy các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP khác của tỉnh tiếp tục vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Xác định rõ, Chương trình OCOP ngoài nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn còn góp phần xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa, môi trường xanh và phát triển bền vững nên những năm qua Bắc Giang đã lồng ghép, dành nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển sản phẩm.
Sản phẩm mỳ gạo Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn) đạt OCOP 3 sao. |
Để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, liên kết tiêu thụ, Bắc Giang quan tâm, chú trọng phê duyệt nhiều nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể như: Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020, Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2030; đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”...
Hiện nay các đề án đang được Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương cùng các sở, ngành, UBND huyện, TP triển khai tích cực, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia các chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu, vươn ra thế giới, trước hết cần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đây là yếu tố quyết định.
Cùng với đó, Sở Công Thương đang phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, các chợ đầu mối nông sản; chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, các đại sứ, tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam ở các nước để tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh biên giới tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu; tăng cường mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất quan tâm đổi mới đa dạng hóa mẫu mã, bao bì, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tham gia tiêu thụ trong chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Đi đôi với giải pháp trên là tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của tỉnh; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái… để không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh mà quảng bá tại chỗ, lan tỏa giá trị, chất lượng nông sản của tỉnh tới cộng đồng, du khách trong và ngoài nước; huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.