Đếm ngược trước khi EUDR có hiệu lực, đâu là trọng tâm doanh nghiệp cần chú ý?
Thời hạn áp dụng đến gần, chuyên gia chỉ ra những quan ngại
Như đã đề cập, Quy định chống phá rừng (EU Deforestation Regulation, viết tắt: EUDR) EU đặt ra hành lang pháp lý nghiêm ngặt với các mặt hàng nhập khẩu như cao su, cà phê, gỗ,… buộc các doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến đất rừng bị suy thoái sau năm 2020. Ban đầu, EUDR dự kiến có hiệu lực áp dụng bắt buộc từ ngày 30/12/2024 cho những doanh nghiệp lớn cũng như từ ngày 30/6/2025 với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Một số yêu cầu được EU đặt ra bao gồm truy xuất nguồn gốc, chứng nhận bền vững và cung cấp tọa độ vùng sản xuất. Doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện “Due Diligence” (thẩm định chuyên sâu) thông qua các bên thứ ba như FSC hoặc Rainforest Alliance theo Điều 4 (Article 4) của Quy định EUDR (EU) 2023/1115. Nếu không tuân thủ, hàng hoá từ các nước vào châu Âu có nguy cơ bị từ chối, phạt hành chính hoặc nặng hơn là cấm nhập khẩu.
![]() |
Cao su, cà phê, gỗ,… là những mặt hàng xuất khẩu được châu Âu quản lý nghiêm ngặt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc không liên quan đến đất rừng bị suy thoái |
Vào tháng 11/2024, EU quyết định lùi thời hạn áp dụng EUDR thêm một năm – tức đến ngày 31/12/2025. Nguyên nhân dẫn đến động thái này có liên quan đến phản ứng của các nước xuất khẩu như Indonesia, Brazil và Việt Nam, cho rằng thời gian chuẩn bị quá ngắn để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống định vị địa lý và cơ sở dữ liệu của EU chưa sẵn sàng cũng như lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp nhập khẩu cà phê, gỗ và dầu cọ phía EU. Mặc dù thời hạn đã được kéo dài, thời hạn này vẫn tạo ra thách thức không nhỏ cho các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam khi một số diện tích cây công nghiệp hiện nay từng là đất rừng được chuyển đổi theo chính sách trước đây.
Trao đổi với PV, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam nhận định, thách thức lớn là một số diện tích cây công nghiệp trước đây được chuyển đổi từ đất rừng nghèo kiệt theo chính sách Nhà nước. Điển hình như rừng khộp ở Tây Nguyên – hệ sinh thái đặc thù với giá trị sinh thái cao, đã được chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, với khung chính sách EUDR hiện nay, chuyên gia quan ngại các sản phẩm trồng tại khu vực này vẫn có nguy cơ bị xem là suy thoái rừng. Cũng theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, quy trình chuyển đổi rừng ở Việt Nam hiện đã được siết chặt với nhiều lớp kiểm soát. Mọi dự án chuyển đổi đều trải qua quy trình nghiêm ngặt bao gồm khảo sát hiện trạng, đánh giá tác động môi trường, nộp phí trồng rừng thay thế và được sự phê duyệt của chính quyền địa phương. Hệ thống này đảm bảo quá trình chuyển đổi chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết và có biện pháp bồi hoàn môi trường.
![]() |
Các ngành chức năng cũng như chuyên gia đang khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó trước khi Quy định chống phá rừng EU có hiệu lực |
Chuẩn bị cho EUDR có hiệu lực, đâu là trọng tâm doanh nghiệp cần chú ý?
Để đáp ứng yêu cầu của EU trong bối cảnh chỉ còn khoảng 06 tháng trước khi quy định có hiệu lực, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp trong nước cần tăng tốc xây dựng hệ thống giải trình rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc đất đai. Doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng để lập hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của đất sản xuất, đồng thời đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Về phía nỗ lực của các ngành chức năng, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ đề xuất cần thiết lập cơ sở dữ liệu thống nhất về quỹ đất, tăng cường đối thoại liên tục EU để làm rõ các trường hợp chuyển đổi hợp pháp theo chính sách trước đây. Giải pháp tổng thể đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý. Việc áp dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng và minh bạch hóa thông tin đất đai sẽ là chìa khóa quan trọng để duy trì xuất khẩu bền vững vào thị trường EU. Đồng thời, cần cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Đầu tư Xây dựng - Dịch vụ nông, lâm nghiệp Việt Nam tại miền Nam - ông Trần La Bình cho rằng, yêu cầu về định vị địa lý (geolocation) là điểm then chốt và khắt khe nhất trong EUDR. Nguyên nhân vì EU yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp tọa độ chính xác khu vực sản xuất để chứng minh sản phẩm không đến từ vùng phá rừng, yếu tố được xem là “xương sống” của hệ thống Due Diligence, bởi EU sẽ sử dụng dữ liệu vệ tinh đối chiếu, kiểm tra lịch sử sử dụng đất. Nếu không có dữ liệu địa lý chính xác, hồ sơ của doanh nghiệp sẽ bị loại ngay lập tức, bất chấp có đầy đủ các chứng nhận khác như FSC hay Rainforest Alliance. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, đây cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp và nông hộ Việt Nam. Đa phần các hộ trồng cà phê, cao su quy mô nhỏ chưa quen với việc sử dụng GPS hay lưu trữ dữ liệu địa lý. Chi phí số hóa bản đồ vùng trồng bằng drone (phương tiện bay không người lái) hay phần mềm chuyên dụng cũng là rào cản đáng kể.
![]() |
Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Vương Thành Công (thứ tư, từ trái sang) cùng các đại diện các doanh nghiệp tham quan mô hình vườn sản xuất hạt lai đa dòng cà phê vối |
Để khắc phục điều này, giải pháp hợp tác nhóm, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) là phương án đang được doanh nghiệp đang áp dụng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích cực hướng dẫn nông dân sử dụng các ứng dụng điện thoại đơn giản để ghi chép tọa độ. Các chứng nhận quốc tế như FSC hay Rainforest Alliance cũng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực vì bao gồm sẵn yêu cầu về định vị địa lý. Nhưng về lâu dài, chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ định vị, đồng thời tận dụng các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ để chuẩn bị tốt nhất cho lộ trình áp dụng EUDR sắp tới.
Là chủ thể OCOP “nặng lòng” với hạt cà phê hữu cơ, cũng như vừa xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Hungary, một quốc gia khu vực EU, ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Vương Thành Công cho rằng, EUDR đặt ra nhiều thách thức với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tinh gọn, sắp xếp bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Trước khi cuộc cách mạng tinh gọn sớm đi vào ổn định, tạo động lực cho doanh nghiệp đóng góp vào kinh tế quốc gia (theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân), ông Vương quan ngại, tiến trình này có thể ảnh hưởng đến thời gian xử lý hồ sơ, hỗ trợ doanh nghiệp làm hồ sơ truy xuất, giải trình. Trong bối cảnh đó, việc liên hệ các bên trung gian, những đơn vị tư vấn được EU cấp phép để hỗ trợ truy xuất dường như là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là khó tránh tình trạng phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tin mới hơn

Tin khác













