Bình Định: Đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế
Công ty CP IPP Sachi (TX Hoài Nhơn) vừa hoàn tất lô hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ với số lượng 700 thùng bánh tráng, bao gồm nhiều sản phẩm đặc trưng như bánh tráng nước dừa, bánh tráng gạo mè, bánh tráng rong biển, bánh tráng ruốc biển và sáu loại bánh tráng tẩm vị khác. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã xuất khẩu trực tiếp thành công gần 10.000 sản phẩm bánh tráng nướng và bánh tráng nước dừa sang Hàn Quốc.
![]() |
700 thùng sản phẩm bánh tránh của Sachi Food xuất đi Mỹ trực tiếp |
Công ty TNHH Dulah (huyện Hoài Ân) xuất khẩu trà nụ hoa hòe và dầu phộng sang Singapore và Hàn Quốc. Nhờ mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, sản phẩm của Công ty không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn giữ được hương vị tự nhiên, được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao.
Công ty TNHH SPEVI FOOD (huyện Hoài Ân) xuất khẩu bún gạo khô, phở khô và các sản phẩm ăn liền hơn 28.000 thùng bún gạo khô xuất trực tiếp sang đối tác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapo... Công ty TNHH SPEVI FOOD vốn tiền thân là cơ sở sản xuất bún, phở khô Phương Anh, do bà Đào Thị Thức ở xã Ân Hảo Đông làm chủ. Công ty đạt chứng nhận ISO 22000:2018.
Không chỉ Công ty CP IPP Sachi hay Công ty TNHH Dulah, Công ty TNHH SPEVI FOOD mà nhiều doanh nghiệp khác tại Bình Định cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thông qua các đối tác phân phối quốc tế. Việc xuất khẩu sản phẩm OCOP có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao giá trị hàng hóa.
![]() |
Sản phẩm bún tươi của Công ty TNHH SPEVI FOOD được xuất khẩu sang Nhật Bản |
Tuy nhiên, thực tế không nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu được. Quá trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn và trình độ kỹ thuật cao, trong khi đa số các doanh nghiệp đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể, để sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu, trước hết các doanh nghiệp phải xây dựng được quy trình sản xuất đảm bảo, xanh, sạch, an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; đầu tư về mẫu mã, bao bì sản phẩm để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và phải tập trung quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Bởi vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới. Đơn cử, Công ty CP IPP Sachi đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Công ty TNHH Dulah tập trung phát triển vùng nguyên liệu sạch, nâng cao giá trị sản phẩm trà nụ hoa hòe. Công ty TNHH SPEVI FOOD mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất bún gạo khô đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty không chỉ giữ được hương vị truyền thống mà còn đáp ứng các yêu cầu khắt khe của đối tác quốc tế.
![]() |
Trà nụ hoa hòe Dulah được xuất khẩu sang Hàn Quốc |
Bên cạnh việc mở rộng thị trường quốc tế, các doanh nghiệp đang hướng tới phát triển bền vững bằng cách đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và nâng cao nhận diện thương hiệu. Việc các sản phẩm địa phương liên tục xuất hiện trên thị trường quốc tế, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.
Sự thành công của các doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm xuất ngoại là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển của ngành nông sản, thực phẩm chế biến của tỉnh Bình Định. Với những chiến lược đúng đắn, sự đầu tư bài bản và chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện, các doanh nghiệp đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Tin mới hơn
Tin khác













