Phú Yên: Chương trình OCOP làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn
Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương từ làng ra phố mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập và làm đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình OCOP, Phú Yên xác định đây là giải pháp quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn các địa phương và chủ thể lựa chọn sản phẩm đặc trưng, sản xuất theo tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình.
Sản phẩm nước mắm Tân Lập đạt OCOP hạng 3 sao |
Trong năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên tổ chức 13 đợt đánh giá phân hạng cho 122 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao của 44 chủ thể sản xuất; thực hiện hỗ trợ 28.000 tem OCOP cho 28 sản phẩm và hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Phú Yên cho 127 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối hiện đại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên Hồ Văn Nhân chia sẻ: Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Vì vậy, thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện các sản phẩm để tham gia chương trình.
Sản phẩm nước mắm Bà Mười đạt OCOP hạng 3 sao |
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, cho rằng: Để sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường.
“Cùng với đó là công tác rà soát, hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm mới có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hỗ trợ các chủ thể tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã được công nhận để duy trì và nâng hạng sản phẩm cần được tăng cường. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, để từ đó Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn tại Phú Yên phát triển bền vững”, bà Đặng Thị Thủy cho biết.