Bạc Liêu: Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu tham gia trưng bày tại các hoạt động xúc tiến thương mại. |
Sau 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Bạc Liêu đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, Bạc Liêu đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, thông qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 132 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 99 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, có thể kể đến như: tôm nguyên con đông lạnh (tôm sú, thẻ chân trắng) của Công ty Tôm Việt; các sản phẩm chế biến từ tôm, mực, cá của Công ty Thanh Phú; tôm khô Đa Giàu, khô cá kèo Phương Thảo, bánh phồng tôm Ý Tám, Bánh phồng tôm nông sản Việt; chà bông tôm, tôm khô của Hợp tác xã Thủy sản sạch Thành Đạt; tôm khô của cơ sở Thiên Hương; chả cá thát lát Hồng Nhanh…. cùng các sản phẩm muối của Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như: tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia cũng như quốc tế.
Đặc biệt, xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu; đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Kim Nên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Tân Huy Hoàng, phường 2, (thành phố Bạc Liêu)- chủ thể của các sản phẩm OCOP (tôm khô, tôm lụi, tôm chao…) cho rằng, sự quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cấp chính quyền và ngành chức năng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chủ thể quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến với khách hàng.
Muối được chế biến thành các sản phẩm OCOP. |
Đánh giá về chương trình OCOP tại địa phương, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, mặc dù, gặt hái những kết quả tích cực, tuy nhiên chương trình vẫn còn tồn tại những khó khăn khăn cần tháo gỡ. Trong đó, việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh tuy có triển khai thực hiện nhiều, nhưng hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Phạm Văn Thiều cho rằng: các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh, tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm chú trọng để đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là tham gia nhiều hơn nữa vào các kênh bán hàng hiện đại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường. Có như vậy, việc thực hiện chương trình OCOP mới thật sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Dưới góc độ cơ quan thường trực của tỉnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, một trong những ưu tiên của tỉnh trong quảng bá kết nối thị trường trong nước là thành phố Hồ Chí Minh. Bởi đây là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và được nhiều địa phương lựa chọn là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, để hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Song song với xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, Bạc Liêu sẽ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, trong đó thương mại điện tử được đẩy mạnh.
Để làm được điều này, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm. Thông qua đó, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm thế mạnh của địa phương, chấp cánh cho sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.