Hà Tĩnh có 239 sản phẩm đạt chất lượng OCOP từ 3 sao
OCOP Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm đa dạng được khách hàng yêu thích. |
Trong Đợt 1 năm 2023, 12 địa phương ở Hà Tĩnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ (riêng thị xã Hồng Lĩnh không có sản phẩm đánh giá). Trong đó, có 48 sản phẩm được đưa vào đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1. Kết quả có 41 sản phẩm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Cùng đó, có 6 địa phương (Hương Sơn, huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Vũ Quang, Thạch Hà, Hương Khê) đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm đã hết hạn sử dụng chứng nhận OCOP với 47 sản phẩm.
Kết quả, có 16 sản phẩm tiếp tục đạt chuẩn OCOP 3 sao, 14 sản phẩm không có đơn đề xuất đánh giá lại và xin không tiếp tục tham gia; 17 sản phẩm chưa có đề xuất hoặc chưa đủ điều kiện để đánh giá hoặc chưa đến thời vụ sản phẩm để tổ chức đánh giá.
Trong giai đoạn 2023-2025, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đồng bộ, khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền. Đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn để liên kết, dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu thị trường. Từ đó tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Sản phẩm OCOP là động lực cho người dân nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương. |
Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020.
Tính đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Nhìn chung, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã được đổi mới về bao bì, mẫu mã. Nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau khi tham gia chương trình, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình./.