Nón lá Vĩnh Thịnh – Sản phẩm OCOP 4 sao
Du khách đến thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Khu trưng bày sản phẩm truyền thống nón lá thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng. |
Nâng cao chất lượng mẫu mã
Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Vĩnh Thịnh với anh thì về
Vĩnh Thịnh có nghiệp có nghề
Có đất làm nón, có nghề đi buôn
Người dân Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) không ai nhớ nghề làm nón quê mình có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, “cha truyền con nối”, làng nghề vẫn bền bỉ tồn tại, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những con người bình dị.
Trải qua nhiều thăng trầm, nón lá Vĩnh Thịnh vẫn giữ được những nét đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh Kỳ. Người làng vẫn làm nón theo công thức mà cha ông để lại từ: phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự tâm huyết, kỳ công và tinh tế của người làm nghề.
Song hành với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, người làm nón cũng chủ động tìm hiểu thị trường, sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng mà còn mang vẻ đẹp nghệ thuật, là vật trang trí và phục vụ phát triển du lịch. Năm 2022, sản phẩm nón lá của HTX Vĩnh Thịnh được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Bá Ky, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Thịnh cho biết: Trước kia, sản phẩm nón của người dân chủ yếu bán lẻ tại chỗ, tại các điểm chợ…Sau khi tham gia chương trình OCOP, nón lá Vĩnh Thịnh được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã. Sản phẩm còn được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QR và được bán trên các sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến… Nhờ đó mà người dân đã có được nhiều đơn hàng số lượng lớn hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan, người làm nghề tại thôn Vĩnh Thịnh chia sẻ: Hơn 60 năm gắn bó với cây kim, sợi chỉ, làm nón không chỉ là nghề kế sinh nhai nữa mà còn là một phần cuộc sống của người dân trong làng. Trước kia chỉ bán được 1,2 cái/ngày nhưng sau khi cải tiến mẫu mã, nón bán được 4 – 5 cái/ngày với giá thành cao hơn, có cái đến 120.000 đồng/ chiếc. Thu nhập người làm nghề được cải thiện đáng kể.
Phát triển làng nghề kết hợp với các hoạt động tham quan, trải nghiệm
Giữ gìn làng nghề truyền thống, Đại Áng định hướng phát triển làng nghề kết hợp với các hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề. Điếm nhấn thu hút khách du lịch là trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh. Đây là nơi hội tụ giá trị truyền thống của làng nghề nón lá hàng trăm năm nay với những hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển làng nghề và trưng bày các vật tư, nguyên liệu làm ra một chiếc nón lá.
Làm nón không chỉ là nghề kế sinh nhai nữa mà còn là một phần cuộc sống của người dân trong làng. |
Ông Nguyễn Bá Ky cho biết thêm: Từ khi gắn kết được với du lịch, chúng tôi tạo ra mô hình vừa sản xuất, vừa bán sản phẩm. Du khách được nhìn tận mắt, tận nơi và rất thích thú khi được trực tiếp tham gia vào các quy trình làm nón. Vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày làng có thể đón 5-7 đoàn khách thăm quan, chưa tính du khách đi nhóm lẻ. Làm du lịch không những bảo tồn được cái gọi là bản sắc văn hóa mà còn giúp bà con trong làng sống tốt bằng nghề nón lá.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc trung tâm Dưỡng Lão Diên Hồng chọn làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh là điểm đến của trung tâm chia sẻ: Đến làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh như được trở về không gian xưa với hình ảnh nón lá, cây đa, giếng nước, sân đình. Các cụ trong trung tâm rất vui khi được tham quan, trải nghiệm tại không gian làng nghề truyền thống mộc mạc, gần gũi. Đặc biệt là sự nhiệt thành, mến khách của các hướng dẫn viên cũng chính là người dân trong thôn. Ngoài trải nghiệm làng nón thì trung tâm còn được ghé thăm rất nhiều đình, chùa, di tích có niên đại hàng trăm năm đem lại nhiều ý nghĩa và cảm xúc cho du khách.
Là nghề “cha truyền con nối”, làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh vẫn bền bỉ tồn tại hàng trăm năm. |
Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP
Hướng dẫn viên đang giới thiệu, quảng bá sản phẩm nón lá đến với du khách tại Khu trưng bày sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh. |
Bằng sự nỗ lực không ngừng của mỗi nghệ nhân, người dân và sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương. Năm 2023, xã Đại Áng được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Đại Áng: Xã sở hữu nhiều loại hình du lịch phong phú: du lịch làng nghề, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp nông thôn đã tạo thành một chuỗi du lịch đặc sắc tại địa phương. Du lịch nông thôn mang lại đa lợi ích vừa có thể giữ gìn bản sắc văn hóa vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Bộ mặt nông thôn trong xã nhờ đó mà khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, xã thường xuyên mở các lớp tập huấn nông dân làm du lịch. Nhân dân sẽ được cán bộ trực tiếp hướng dẫn về kỹ năng ứng xử văn minh, một số nghiệp vụ và định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn hướng đến điểm du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Đại Áng không ngừng đẩy mạnh nâng cao chất lượng các điểm đến bằng cách tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết nối với các địa phương lân cận để xây dựng tour/tuyến du lịch cộng đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh – Trưởng phòng kinh tế huyện Thanh Trì chia sẻ: Được công nhận điểm du lịch vào năm 2022, xã Đại Áng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh từ làng nghề truyền thống, 11 điểm di tích,...thu hút được đông đảo du khách ghé thăm, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hiệu quả bước đầu của xã Đại Áng sẽ là động lực để xã tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển quy mô, chất lượng du lịch quảng bá văn hóa, truyền thống giới thiệu hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội, Hà Nội có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước do vậy việc khai thác tiềm năng của các làng nghề sẽ góp phần phát triển kinh tế của các xã nông thôn mới, tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch...Những hoạt động này, giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Trên cơ sở đó, Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quy hoạch phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng thời đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển du lịch làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm |
Bài viết có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội