Bình Phước: Ứng dụng chế phẩm IMO trong nuôi trồng, chăm sóc hoa lan
Tại thị xã Chơn Thành một vườn lan được chăm sóc nuôi trồng bằng Phân yến vi sinh, 100% phương pháp hữu cơ và chế phẩm IMO. “Hoa Lan Song Kiếm” (Lan Kiếm) có thể xem là một trong số ít tiên phong ứng dụng 100% hữu cơ, vi sinh vật bản địa IMO (loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương).
Chị Đoàn Thị Minh Trâm, chủ vườn “Hoa Lan Song Kiếm”
Chị Đoàn Thị Minh Trâm (SN 1987, trú tại Phường Hưng Long, Thị xã Chơn Thành) cho biết, hiểu rõ lợi ích của phân bón hữu cơ và vi sinh vật với cây trồng cũng như môi trường sống, ngay từ khi mở vườn “Lan Kiếm”, chị luôn đặt phương châm “vì một môi trường xanh” lên ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù vậy, thuở “chập chững” nghiên cứu theo nghề, chị vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp nhằm triển khai mô hình đúng hướng. Đến tháng 01/2022, chị được Tỉnh đoàn tập huấn kiến thức về ứng dụng công nghệ vi sinh bản địa có lợi IMO. Nhờ tự tìm tòi, học hỏi cũng như sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong ngành, chị Trâm đã biết tận dụng các nguồn phân yến, cá ươn, vỏ trứng, vỏ thơm, bã cà phê,… để sản xuất ra các loại phân bón vi sinh chăm sóc hoa lan. Điển hình như phân yến vi sinh, đạm cá, đạm trứng, dung dịch kích rễ, kích chồi, khử khuẩn, dịch chuối, dịch đậu nành.
Chị Trâm giới thiệu sản phẩm Phân yến vi sinh đến Đoàn viên Thanh niên
Với chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao, tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên bản địa, năm 2022, chị Trâm cho biết mô hình khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm phân bón cho hoa lan, cây trồng (chủ lực là sản phẩ phân yến vi sinh) đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng.
Đến tháng 11/2022, chị Trâm tham gia “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” do Trung ương đoàn tổ chức. Tại đây, chị Trâm đạt giải khuyến khích với dự án “Ứng dụng IMO vào nuôi trồng, chăm sóc hoa lan bằng phương pháp hữu cơ”.
Hiện tại, chị Trâm vẫn không ngừng học hỏi nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ địa phương tìm hiểu chuyên sâu kiến thức IMO. Bằng cách lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo thanh niên, chủ vườn hoa “Lan Kiếm” mong muốn dự án sẽ góp phần gắn kết cộng đồng, nâng cao kiến thức cho mọi người về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, môi trường cây trồng, đồng thời cải thiện đời sống sinh kế, thu nhập cho người dân.
Sản phẩm “Phân yến vi sinh” của chị Trâm
Chị Trâm nhận định, IMO là một giải pháp chủ động, chi phí thấp, dễ thực hiện hoàn toàn phù hợp để ứng dụng trong môi trường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
“Làm phân bón vi sinh theo công nghệ IMO là giải pháp nhân nuôi vi sinh vật có lợi để áp dụng vào giải pháp bảo vệ môi trường, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và ai cũng có thể làm được.
Tôi làm phân vi sinh để chăm sóc hoa lan, người khác có thể ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe,… Các bạn Đoàn viên Thanh niên nếu muốn khởi nghiệp từ ứng dụng IMO mà gặp khó khăn thì tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hướng dẫn cùng phát triển”, chị chia sẻ.
Huỳnh Kha