Truyền tải văn hoá từ sản phẩm OCOP
Với những mặt tích cực và lợi thế sẵn có, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát huy được thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Điểm đáng chú ý là hiện có nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP đã từng bước khắc phục tính nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, cơ sở sản xuất để tạo thành sức mạnh, ứng phó tốt hơn với áp lực cạnh tranh. Và hơn thế, việc địa phương xây dựng được sản phẩm OCOP có uy tín, giá trị lớn là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Trong điều kiện hiện nay, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi hiệu quả và mang tính bền vững, bởi hai lĩnh vực này có mối quan hệ “hữu cơ”. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn; góp phần mang đến các câu chuyện và giá trị văn hóa đặc sắc về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.
Để phát huy mối quan hệ “cộng sinh” nói trên, nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, bao gồm thương hiệu sản phẩm OCOP và điểm đến du lịch. Nói cách khác, phải kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này, làm thế nào để du lịch nông thôn trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn. Theo đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm cần tiếp tục phát triển về số lượng sản phẩm, trong đó ưu tiên sản phẩm là đặc sản, đặc thù của từng địa phương. Muốn vậy, cần có bước đánh giá cụ thể, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự mang hương vị đặc trưng của văn hóa từng địa phương, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, chương trình cần phát huy giá trị kết nối, giá trị thị trường để thông qua thương hiệu OCOP có thể giúp kết nối giao thương, kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch. Ngoài ra, cần quy hoạch vùng miền, các địa điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm để thúc đẩy việc mua bán, góp phần đưa sản phẩm OCOP thâm nhập vào thị trường mạnh mẽ hơn.
Trên cơ sở những đặc sản OCOP ở từng địa phương, các cơ quan chức năng, địa phương cần xác lập tuyến du lịch gắn với địa điểm có sản phẩm OCOP để quảng bá. Ngoài ra, cần xác lập thêm tiêu chuẩn, tiêu chí, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tránh cho sản phẩm OCOP bị lạm dụng, mai một, không thể phát huy tối đa giá trị trên mọi phương diện. Vấn đề quan trọng là dù xây dựng sản phẩm, dịch vụ nào cũng phải độc đáo, hấp dẫn và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Từ đó mới có thể thông qua sản phẩm du lịch để giới thiệu - quảng bá văn hóa địa phương bằng những “câu chuyện” về văn hóa, con người, đặc sản vùng miền, những sản phẩm OCOP.
Tóm lại, gắn kết và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch cùng sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để tạo dựng uy tín, thương hiệu cho nông sản và thu hút nhiều hơn du khách đến với du lịch nông nghiệp, nông thôn.