Chú trọng HTX làm OCOP để tạo sức bật xây dựng nông thôn mới
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Cũng thông qua chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Ở các địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh lớn. Nhiều HTX đã tham gia các trang thương mại điện tử để xúc tiến thương mại; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX đã, đang được phân phối rộng rãi tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trên cả nước. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp phải một số khó khăn.
Sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại còn khiêm tốn
Không thể phủ nhận việc đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại, hầu hết đại diện các HTX đều cho rằng đưa nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi giúp khẳng định thương hiệu cho HTX và nông sản. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP của HTX ở các kênh phân phối này còn chưa lớn, thậm chí có HTX còn chưa thể tiếp cận được các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Theo các chuyên gia, việc đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, trung tâm thương mại còn nhiều khó khăn vì giữa các HTX và nhà phân phối vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều HTX thậm chí còn chưa biết bắt đầu từ đâu, còn nhà phân phối luôn hướng đến yếu tố bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên yêu cầu chi tiết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, phải được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ hàng…
Ông Lưu Văn Nhiệm ( Giám đốc một HTX) cho biết, để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống Aeon, phía HTX phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, giấy tờ chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh các tem, nhãn mác và các giấy tờ, HTX còn đáp ứng về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, các điều kiện vận chuyển, khả năng đảm bảo tính liên tục của nguồn hàng.
Việc hỗ trợ các HTX có sản phẩm OCOP trong tư vấn, tiếp cận chính sách hỗ trợ giúp việc đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại được thuận lợi hơn. |
PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho rằng về cơ bản, những sản phẩm OCOP 4 sao trở lên đều có nhiều cơ hội vào các hệ thống siêu thị. Điều quan trọng là các chủ thể có duy trì và tiếp tục nâng được chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hay không? Có thể nhiều HTX đang nỗ lực trong nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng có những HTX quy mô sản xuất nhỏ nên gặp bất cập về nguồn lực nên khó duy trì trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà phân phối cũng như chưa thích ứng kịp với xu hướng mới của thị trường.
Theo thống kê, cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên và đang góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều chủ thể là các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX nằm vùng miền núi, vùng sâu vùng xa có đặc thù về tự nhiên, giao thông khó khăn. Đi liền với đó cán bộ quản lý HTX cao tuổi nên khó khăn trong đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, nâng chất sản phẩm.
Thêm chất kết dính
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư Đỗ Thành Trung cho biết, thực tế từ các nước phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có Thái Lan cho thấy, nước này luôn đi trước một bước trong phát triển sản phẩm OCOP khi chú trọng vào vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản, thực phẩm. Để làm được điều này, Thái Lan chủ động xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp, tạo sự khác biệt cho sản phẩm OCOP chứ không đi vào số lượng sản phẩm. Từ đó, quốc gia này không chỉ tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng của riêng các HTX mà có cả sản phẩm OCOP của cả ngành nông nghiệp nên rất dễ cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Các sản phẩm hàng nông sản đạt chứng nhận OCOP được bày bán tại các siêu thị đã được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. |
Đặc biệt để phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể cần đầu tư nhiều về khoa học công nghệ. Điều này phía Thái Lan làm rất tốt nhưng ở Việt Nam chưa làm được vì hầu hết các HTX vừa thiếu về nguồn lực, năng lực, khả năng. Trong khi khả năng tiếp cận cơ chế chính sách cho các chủ thể là các HTX còn thấp. Điều này một phần là do thông tin hai chiều giữa khu vực kinh tế tập thể và các cơ quan quản lý ở Việt Nam chưa có sự kết nối.
Hay tại Philippines, quốc gia này đang làm tốt việc cung cấp thông tin hai chiều. Đặc biệt việc tham gia tư vấn về chính sách hỗ trợ dài hạn cho HTX của Philippines không những đảm bảo cho HTX phát triển mà họ còn có sự phân cấp cho các địa phương một cách trình tự để các chính sách hỗ trợ đến được với HTX một các phù hợp và hiệu quả như đào tạo năng lực giám sát, tư vấn cho HTX…). Còn tại Việt Nam, hệ thống giám sát viên, tư vấn viên hỗ trợ HTX, người dân phát triển sản phẩm OCOP, tiếp cận thị trường đang thiếu và yếu nên mới xảy ra tình trạng HTX chưa biết bắt đầu từ đâu để đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị và sản phẩm chưa đạt được sự đồng bộ khi sản xuất quy mô lớn.
Theo các chuyên gia, việc tạo điều kiện cho các HTX, chủ thể OCOP tiếp cận với các chính sách đặc thù là điều hiển nhiên nhưng bên cạnh đó cần tạo điều kiện để các HTX tiếp cận với các chương trình hỗ trợ dành cho loại hình doanh nghiệp khác khi họ đáp ứng được các điều kiện của chương trình đặt ra, nhằm tạo điều kiện cho HTX tham gia toàn diện vào nền kinh tế, trong đó có tiếp cận thuận lợi với các hệ thống phân phối hiện đại, quy mô lớn.