Chương trình OCOP nâng tầm sản phẩm làng nghề Hà Nội
Làng nghề là nơi có nhiều sản phẩm đạt chất lượng để tham gia chương trình OCOP. |
Hà Nội được xem là vùng đất bách nghệ với hơn trăm làng nghề và làng có nghề, cùng với đó là hàng nghìn sản phẩm đi kèm. Đây là điều kiện thuận lợi cho chương trình OCOP làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP ở Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội: từ năm 2019 đến hết năm 2022, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, với 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, đến nay, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký đánh giá, phân hạng 559 sản phẩm, trong đó có 138 sản phẩm đăng ký đánh giá lại.
Đến hết năm 2022, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP |
Là một trong những địa phương đi đầu Thành phố về số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Trong triển khai thực hiện OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và hàng trăm sản phẩm tiềm năng OCOP, đang xây dựng OCOP…. Việc mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất mở rộng cơ hội phát triển thị trường
Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa những sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Hiện, sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận. Doanh nghiệp hy vọng sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được hưởng giá trị sản phẩm từ OCOP mang lại cho sức khỏe, từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng.”
Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam. Những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại; tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Các hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Các sản phẩm làng nghề của Hà Nội đạt chuẩn OCOP |
Có thể thấy, chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong việc hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo “sức bật” cho kinh tế nông thôn.
Việc lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là việc làm thiết thực của Thành phố giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng. Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Sắp tới Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 9/11 đến 12/11/2023, với mục đích bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 9 – 12/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Đây là cơ hội để người dân, nghệ nhân làng nghề Hà Nội có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Từ đó, kết tinh được sản phẩm nhằm vừa bảo tồn làng nghề, đồng thời phát triển và đáp ứng yêu cầu thị trường trên thế giới.Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội khẳng đinh. |
Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội