Đồng Nai: Tăng cường quảng bá, bày bán sản phẩm OCOP tại các điểm đến, khu du lịch
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn từ 2021 - 2023, toàn tỉnh có 180 sản phẩm OCOP, đạt 92,78 % so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 142 sản phẩm 3 sao, đạt 121% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (kế hoạch có 117 sản phẩm), 38 sản phẩm 4 sao, đạt 56,7% so với kế hoạch (67 sản phẩm).
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (Ấp Vĩnh Tuy, Xã Long Tân, Huyện Nhơn Trạch) giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng |
Tính đến ngày 31/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 220 sản phẩm OCOP của 120 chủ thể. Trong đó, có 172 sản phẩm OCOP 3 sao, 48 sản phẩm OCOP 4 sao. Cơ cấu sản phẩm theo phân bổ trong những nhóm ngành: Thực phẩm có 203 sản phẩm (chiếm 92,27%); đồ uống có 04 sản phẩm (chiếm 1,82%); thảo dược có 03 sản phẩm (chiếm 1,36%); thủ công mỹ nghệ có 10 sản phẩm (chiếm 4,55%).
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình OCOP thời gian qua, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh) cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của hệ thống chính trị các cấp, chương trình OCOP đã có sức lan tỏa rộng lớn, khơi dậy tiềm năng tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, được nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình nhiệt tình tham gia, hưởng ứng.
Nhiều sản phẩm đã phát huy được chuỗi giá trị, chất lượng, nhận được sự đón nhận của thị trường, hệ thống các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, đặc biệt là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, phát huy được chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm,” - Phó Chi cục trưởng Lê Thị Tuyết Nhung cho biết.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai |
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả khả quan, địa phương vẫn còn gặp phải khó khăn, hạn chế liên quan đến điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 cũng như thực tiễn ở địa phương. Cụ thể, đối với sản phẩm 4 sao cần phải đạt 10 tiêu chí cứng, trong đó có tiêu chí sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng tiến tiến của Việt Nam như VietGAP/GlobalGAP/hữu cơ/HACCP/ISO 22000,… là những tiêu chí khó và cần rất nhiều thời gian.
Mặt khác, việc phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, trái cây tươi nên chưa mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm. Quy trình sản xuất, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế, thiếu năng lực cạnh tranh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; đầu tư cho mẫu mã, bao bì đóng gói, nhãn mác, các giấy chứng nhận như ATTP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ; đầu ra sản phẩm còn khó khăn… đang là rào cản lớn khiến một số sản phẩm OCOP khó phát triển.
Về giải pháp, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền,quảng bá chương trình cũng như các nguyên tắc, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm thông qua phát hành bản tin, xây dựng bảng pano, đài phát thanh, truyền hình cùng các trang web chuyên ngành và báo chí. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể tham gia, tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, người lao động về các ngành nghề liên quan cũng như phát triển sản phẩm và lĩnh vực du lịch.
Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu xây dựng phim giới thiệu về sản phẩm OCOP, giới thiệu quảng bá về điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Bửu Long và Khu du lịch thác Đá Hàn.
Vừa qua, Phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu 177 loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và 28 loại sản phẩm OCOP của 141 cơ sở/doanh nghiệp. Hơn 300 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP và nông sản địa phương trong 20 sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ và hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Tuần lễ tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP năm 2023 tại Long Khánh quy tụ 43 gian hàng, trưng bày và tiêu thụ hơn 80 tấn sản phẩm, phục vụ hơn 40.000 lượt khách. Không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Tuần lễ Văn hóa, Du lịch và Ẩm thực ở Biên Hòa thu hút hơn 80 gian hàng từ các tỉnh, giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa và ẩm thực đặc sắc. Các hoạt động này đều góp phần quảng bá sản phẩm OCOP và du lịch của Đồng Nai đến với du khách.