Thanh Hoá: Mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua chuyển đổi số
Thúc đẩy CĐS trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” sẽ góp phần phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhận thức rõ vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố đẩy mạnh công tác CĐS để đưa các sản phẩm OCOP lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể đăng tải thông tin, nguồn gốc sản phẩm OCOP trên một số website như: ocoptinhthanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn và trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo các gian hàng để bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, shopee, lazada, alibaba... Đồng thời, phối hợp tổ chức phiên livestream “Chợ phiên OCOP Thanh Hóa” để giới thiệu sản phẩm nông đặc sản của tỉnh nhà.
Sản phẩm Gạo nếp hạt cau Thạch Lập của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng được quảng bá rộng rãi cả ở các phiên chợ lẫn các trang mạng điện tử. |
Hiện đã có hơn 100 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Tiêu biểu như các sản phẩm: Nước mắm, mắm tôm Lê Gia; rượu Sâm báo An Tâm; nem ống An Cúc; gạo sạch Hương Quê; măng khô Xuân Liên...
Gạo nếp hạt cau Thạch Lập cũng là một trong những sản phẩm OCOP được HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) quảng bá rộng rãi cả ở các phiên chợ lẫn các trang mạng điện tử. Giám đốc HTX Phạm Bá Hùng cho biết: Nhờ biết cách giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng số nên sản phẩm của HTX cũng được nhiều người tiêu dùng để ý và quan tâm nhiều hơn. Khách hàng chỉ cần vào các trang mạng sẽ có đầy đủ thông tin cũng như giá thành của sản phẩm, sau đó chọn lựa số lượng và để lại địa chỉ, chúng tôi sẽ liên hệ và giao hàng đến tận nhà. Mọi sản phẩm đều được đơn vị đảm bảo đúng chất lượng như đã giới thiệu. Đây được xem là “bước tiến” mới của HTX, bởi khi kinh doanh theo cả hai phương thức truyền thống và hiện đại, tỷ lệ đầu ra của sản phẩm tăng hơn khoảng 20%.
Với HTX dịch vụ và thương mại Ong mật Cẩm Thủy (xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy), sau nhiều đợt tập huấn về CĐS do ngành nông nghiệp và các sở, ngành tổ chức, HTX đã tìm hiểu và lựa chọn phát triển, phân phối sản phẩm qua các kênh như: langnghethanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn và các sàn thương mại điện tử khác. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay việc tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng số đã giúp HTX gia tăng lượng hàng hóa, giảm các chi phí như lao động, đại lý, nhà phân phối, lợi nhuận cũng tăng từ 15 - 20%. Giám đốc HTX Trương Thanh Hải cho biết, thông qua nền tảng số, HTX không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm, mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa trong một buổi giới thiệu hàng hóa của công ty. |
Có thể nói, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh nhà tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Đây được xem là nền tảng, tạo bước đi vững chắc và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Đặc biệt, sau khi kết nối tiêu thụ qua nền tảng số, một số chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng CĐS trong các công đoạn sản xuất, chế biến của mình, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR Code để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Từ kết quả đạt được cho thấy, CĐS đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới.