Làng nghề truyền thống rượu Vọc phát huy thế mạnh của sản phẩm OCOP
Cơ sở sản xuất rượu Đức Toàn là một trong các cơ sở sản xuất rượu của làng Vọc, xã Vũ bản (Bình Lục). |
Để nâng tầm sản phẩm rượu Vọc, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn được công nhận OCOP, các cơ sở sản xuất rượu Vọc đã có những thay đổi căn bản trong quá trình sản xuất. Theo đó, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào các khâu sản xuất. Hiện, toàn bộ trang thiết bị từ nồi nấu cơm, đến nồi nấu rượu đều sử dụng chất liệu inox chạy điện thay thế nồi thủ công đun củi, bếp than tổ ong trước đây. Việc áp dụng công nghệ mới này nâng công suất lên 7 - 10 lần so với nấu thủ công. Đồng thời, giúp bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Với việc nấu rượu bằng nồi inox loại bỏ được váng đồng của bộ phận ngưng tụ (trước đây sử dụng tấm đồng). Rượu sau khi nấu được đưa vào máy khử độc tố (Andehit), máy làm lão hóa rượu bảo đảm không còn độ sốc của rượu mới nấu...
Nguồn nguyên liệu đầu vào cũng được kiểm soát chặt chẽ. Gạo nếp nhập về nấu rượu được lựa chọn loại đều cả về kích thước, màu sắc, không lẫn loại gạo khác. Men rượu tại làng Vọc sử dụng loại men úp truyền thống làm tại địa phương. Có cơ sở tự làm men từ hơn 30 loại thuốc Bắc theo công thức gia truyền được lựa chọn nguồn thuốc thô không bị mốc, về xay, phối trộn. Khâu ủ cơm rượu sau khi trộn men được thực hiện trong nhà có lắp điều hòa nhiệt độ, luôn bảo đảm từ 25 – 27oC để men vi sinh hoạt động tốt nhất, kể cả khi thời tiết ngoài trời nắng nóng… Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao cả về chất lượng và sản lượng rượu sản xuất ra của các cơ sở. Làm thủ công trước đây, khoảng 3 tháng nắng nóng mùa hè người dân chỉ sản xuất cầm chừng.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện, các cơ sở sản xuất rượu của làng Vọc cũng mạnh dạn cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp. Rượu ngoài đóng can lớn, còn được đóng vào các loại chai 350 – 500 ml có đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, phù hợp cả uống và làm quà biếu. Các cơ sở sản xuất lớn có đầy đủ các điều kiện bắt buộc của sản phẩm đồ uống, được cơ quan chức năng cấp và chứng nhận, như: Giấy phép kinh doanh, kết quả xét nghiệm định kỳ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết: Địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để làng nghề rượu Vọc truyền thống phát triển. Ngay từ khi có chương trình OCOP, rượu Vọc được lựa chọn làm sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương tham gia. Hiện trên địa bàn đang duy trì 2 sản phẩm rượu đạt OCOP 3 sao (rượu Vọc Đức Toàn và rượu Hải Luân)...
Sản phẩm OCOP của HTX rượu Vọc Đức Toàn được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã. |
Qua tìm hiểu, được biết: Cơ sở sản xuất rượu Hải Luân( thôn 7) từ chỗ sản xuất thủ công nhỏ lẻ đã đầu tư đồng bộ từ tủ nấu cơm, bàn trộn men, tháp chưng cất, máy lọc trong, máy khử độc tố… Sản lượng rượu của cơ sở mỗi tháng 4.500 lít, xuất bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm của cơ sở được công nhận OCOP 3 sao năm 2023; còn Hợp tác xã (HTX) rượu Vọc Đức Toàn, đơn vị tiên phong trong áp dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019 và được duy trì cấp lại năm 2023. Sau khi được công nhận OCOP thị trường sản phẩm của HTX đã mở rộng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng HTX sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 9.000 lít rượu, gấp gần 10 lần so với cách đây 5 năm. Rượu vọc Đức Toàn đạt OCOP đã có mặt tại các nhà hàng, khách sạn của thành phố Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định và nhiều tỉnh, thành phố.
Làng nghề truyền thống rượu Vọc đang phát huy tốt thế mạnh của sản phẩm OCOP. Tổng sản lượng rượu của cả làng nghề hiện ở mức 1 triệu lít/năm. Từ bước phát triển mới của làng nghề truyền thống rượu Vọc đang tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo cùng sự chăm chỉ vốn có, những người con làng Vọc sẽ tiếp tục gìn giữ nét đẹp của một làng nghề truyền thống, sẽ cho ra đời những chai rượu thơm ngon, “gồng gánh” cả ước mơ, hoài bão của thế hệ đi trước và chở theo hồn quê.