Ngọt ngào hương vị mật ong rừng Mỹ Thuận
Những đàn ong chăm chỉ kiếm mật
Trước kia, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, Phú Thọ chỉ được xem là nghề phụ, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng sau khi tham gia vào HTX, mô hình này được nhân rộng hơn. Mỗi hộ tập trung nuôi từ 100-500 đàn để cho sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc nuôi tập trung với số lượng lớn cũng giúp người dân chú tâm sản xuất nên thu nhập từ việc nuôi ong cung tăng đáng kể. Từ đó, những hộ thành viên nuôi ong có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Người dân ở xã Mỹ Thuận ngày càng thành thạo kỹ thuật nuôi ong nên sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng lên, khẳng định hương vị mật ong riêng biệt. |
Hiện nay, HTX có tổng đàn ong là 2.200 đàn với sự tham gia của 14 hộ thành viên, các thành viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Sản lượng mật thu hoạch trung bình của HTX đạt trên 40 tấn/năm, với nhiều loại sản phẩm khác nhau được HTX bán với mức giá dao động từ 100.000 - 300.000 nghìn đồng/lít. Với sản lượng bán ra năm 2023, HTX đã đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi hộ thành viên có thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/năm.
Giám đốc HTX Mỹ Thuận Đinh Trọng Tâm cho biết, nuôi ong lấy mật là một hình thức khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người dân. Để phát triển đàn ong, người dân chỉ cần đầu tư mua giống tốt lúc ban đầu, sau đó có thể tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn, thùng gỗ làm tổ cho ong cũng khá rẻ, khoảng 300.000 nghìn đồng/thùng, dễ mua, nhiều hộ có thể tự làm do tận dụng được nguồn gỗ có sẵn.
Nhờ đầu tư xây dựng thương hiệu, mật ong rừng Mỹ Thuận đã đạt chứng nhập OCOP 3 sao. |
Hiện nay, HTX đang nuôi 2 loại ong là ong nội và ong ngoại. Thời gian nuôi chính vẫn tại địa phương, nhưng từ tháng 8 đến tháng 10, HTX phải di chuyển đàn ong đến vùng sông Mã, tỉnh Sơn La, cuối năm lại phải di chuyển đàn ong đến tỉnh Đắk Lắk để lấy mật hoa cà phê. Mặc dù tốn nhiều công chăm sóc, chi phí vận chuyển nhưng nhờ có các loại hoa rừng phong phú, đa dạng nên mật ong của HTX có sản lượng cao, chất lượng tốt, rất thơm, ngọt, khi tách nước đúng tiêu chuẩn sẽ bảo quản được lâu mà không bị chua và không bị đóng đường; nhờ vậy mà mật ong của HTX làm ra đến đâu, được tiêu thụ hết luôn đến đấy.
Với sản lượng mật trên 40.000 lít/năm, vấn đề tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mới thực sự là bài toán khó đối với HTX và các thành viên. Mặc dù sản phẩm mật ong của HTX đã được bán ở nhiều tỉnh thành như: Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh... với nhiều hình thức bán hàng như: Ký hợp đồng bao tiêu, phát triển địa lý, bán lẻ theo cách truyền thống và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu mật ong rừng Mỹ Thuận
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường của sản phẩm còn chưa có tính ổn định do phải cạnh tranh với sản phẩm mật ong của các địa phương khác trong cả nước. Ý thức được điều đó, HTX đã rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quan tâm đến bao bì, tem nhãn, các chứng nhận chất lượng sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Năm 2022, HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm Mật ong rừng Mỹ Thuận. Đây là tiền đề tốt để sản phẩm của HTX có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để có nguồn sản phẩm đảm bảo, người dân và HTX thường xuyên kiểm tra, chăm sóc cho khu vườn nuôi ong rừng. |
Mặc dù việc phát triển đàn ong rất tốt, tuy nhiên đến nay HTX vẫn chưa có điều kiện để đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị hiện đại để sơ chế, chế biến sản phẩm, như máy hạ thủy phần (máy tách nước)… Hiện HTX vẫn phải vận chuyển mật đến HTX nuôi ong Thanh Thủy (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) để thuê tách nước, việc này làm cho chi phí trên một lít mật ong tăng thêm từ 5.000 - 10.000 nghìn đồng/lít.
HTX mong muốn, trong thời gian tới, ngoài việc được quan tâm từ các cấp, các ngành, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Mỹ Thuận rất mong được các cơ quan của tỉnh tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu; đặc biệt hỗ trợ máy hạ thủy phần để HTX có thể chủ động trong các khâu sản xuất và cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất; đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mật ong trên thị trường hiện nay. Góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho các thành viên HTX và người dân nuôi ong trên địa bàn xã Mỹ Thuận./.