TP. Hà Tĩnh có thêm 5 sản phẩm OCOP 3 Sao
Vừa qua, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Tĩnh phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiến hành chấm điểm, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2023 của thành phố Hà Tĩnh.
Theo đó, TP Hà Tĩnh có 8 sản phẩm được đưa ra đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, xét về các tiêu chí có 3 sản phẩm chưa đạt nên chưa đủ điều kiện xếp hạng.
Sản phẩm Cu đơ Thư Viện - Đặng Thanh (phường Đại Nài) đạt tiêu chuẩn 3 sao. |
Trên cơ sở đánh giá chi tiết, chấm điểm từng nội dung, tiêu chí, các thành viên trong hội đồng thống nhất nhận định: các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của TP Hà Tĩnh đều là những sản phẩm tiêu biểu, được các chủ cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng, đầy đủ các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng, hệ thống bao bì, tem nhãn...
Thông qua việc đánh giá, xếp hạng nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô lớn. Qua đó, giúp người dân trên địa bàn thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ra thị trường.
Kết quả, 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023 bao gồm: Gạo Liên Nhật (HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật - Thạch Hạ); sản phẩm Cu đơ Thư Viện - Đặng Thanh (phường Đại Nài); cao nhung hươu Huso, Lộc Liên tâm trà, rượu nhung hươu Huso (đều của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ An Phong, xã Thạch Trung) đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã được đổi mới về bao bì, mẫu mã. Nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hà Tĩnh đặt chỉ tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.