Ứng dụng chuyển đổi số: Xu hướng cho chương trình OCOP tỉnh Hậu Giang
Chương trình thu hút gần 3.000 lượt khách tham dự với hơn 60 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các Bộ ngành trung ương; cơ quan quản lý nhà nước; Hiệp hội, Hội ngành nghề; tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, TP. HCM cùng một số tỉnh thành khác.
Ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp sáng tạo đang xu hướng chung cho Chương trình OCOP tỉnh Hậu Giang
Trong năm 2022, kinh tế Hậu Giang có sự tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (13,94%), đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng 35 bậc so với năm 2021).
Tiếp nối những thành công đạt được trong năm 2022, “Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023” (gọi tắt là Tuần lễ) hướng đến nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số. Qua đó, đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời hỗ trợ quảng bá, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ vào địa bàn tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh và khu vực.
“Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023” diễn ra từ ngày 18 - 20/5
Chương trình có quy mô và nội dung phong phú, đa dạng với 9 hội thảo và 8 hoạt động bên lề. Đáng chú ý là khu trải nghiệm, trưng bày Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với khoảng 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và gần 50 gian hàng giới thiệu thiết bị công nghệ, giải pháp chuyển đổi số,…
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại chương trình
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Tuần lễ không chỉ là nơi giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu mà còn mang đến các mô hình đã triển khai thực tiễn. Qua đó, chuyên gia có thể đưa ra nhiều tư vấn chuyên sâu hỗ trợ giải quyết bài toán cho doanh nghiệp, địa phương theo từng mảng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM cho biết, không phải địa phương nào cũng có thể triển khai chuyển đổi số hiệu quả như Hậu Giang
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM chia sẻ, “Hậu Giang là một tỉnh còn khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng thông qua tăng trưởng vượt bậc về GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và các chỉ số kinh tế xã hội. Điểm nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT của tỉnh đó là hiệu quả của Tổ chuyển đối số cộng đồng; mô hình chuyển đổi số tiêu biểu cấp huyện; tỉnh có cách làm hay là bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số đến cấp xã,…”
Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây là một trong những chủ thể OCOP Hậu Giang tích cực tham gia chuyển đổi số.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM, Khu Công nghệ số Hậu Giang trong năm 2023 là một mô hình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ TT&TT cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. “Không phải địa phương lớn nào trong cả nước đều có thể triển khai được như ở Hậu Giang”, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết.
Những gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại khu trải nghiệm, trưng bày Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp sáng tạo đang xu hướng chung cho hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Hậu Giang. Thông qua hoạt động này, địa phương mong muốn tạo ra bước phát triển mạnh mẽ nhằm hiện thực mục tiêu đưa Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Huỳnh Kha