Cà Mau: Số hoá để sản phẩm OCOP vươn xa
Tính đến nay, tỉnh có 142 sản phẩm được công nhận OCOP (29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao), trong đó có 127 sản phẩm thuộc sản phẩm thực phẩm (chiếm 89%), 7 sản phẩm thuộc sản phẩm đồ uống (chiếm 5%), 8 sản phẩm thuộc sản phẩm thủ công mỹ nghệ (chiếm 6%). Về chủ thể, có 68 chủ thể OCOP, trong đó có 15 công ty/doanh nghiệp (chiếm 22%), 25 hợp tác xã (HTX) (chiếm 37%), 1 tổ hợp tác (chiếm 1%), 27 hộ kinh doanh (chiếm 40%).
Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận OCOP. (Trong ảnh: Quy trình chế biến tôm khô, sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Tài Thịnh Phát Farm, xã Tam Giang, huyện Năm Căn). |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận đã mở rộng cơ sở, nâng cấp trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua khảo sát, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của các chủ thể đạt 58,386 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 515 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện có 56 sản phẩm của 22 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: liên kết, phân phối cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng (Siêu thị Big C, Siêu thị Co.opmart, Co.op Food, cửa hàng thực phẩm an toàn, Siêu thị Aeon, MEGA Market, Siêu thị Finelife supermarket, Fuji Mart, Top Go, Siêu thị Tứ Sơn - An Giang, chuỗi cung ứng Nutrimart...); một số sản phẩm đã kết nối với các sàn thương mại điện tử khác như: Viettel (voso.vn), (Postmart) và các kênh Lazada mall, Amazon, Alibaba; liên kết với các đại lý ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Ðồng Nai, Bình Dương, Ðà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh...
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định. Chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí “Ðảm bảo chất lượng sản phẩm” theo Quyết định số 148/QÐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do vướng các thủ tục có liên quan chứng minh có thị trường xuất khẩu.
Năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường là một trong những khó khăn, hạn chế đối với sản phẩm OCOP tại địa phương, được ngành chức năng nhìn nhận. |
Cùng với đó, chủ thể tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ nên gặp khó khăn về vùng nguyên liệu, chưa đa dạng về chủng loại, khả năng mở rộng quy mô còn khó khăn. Khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục; việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, chế biến chưa đảm bảo. Do thiếu năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường nên một số sản phẩm OCOP, chưa mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu.
Mặc dù sản phẩm OCOP có những thay đổi về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên còn khá nhiều sản phẩm có mẫu mã bao bì đơn giản. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP của tỉnh chưa đa dạng, chưa phong phú về chủng loại, còn trùng lắp sản phẩm, chủ yếu tập trung một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm, nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng giải pháp hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến việc tiếp cận thị trường. Cũng như vừa mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Kế hoạch đã phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Tăng cường kết nối, hợp tác với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị nhằm thúc đẩy các sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường, liên kết cung cấp sản phẩm OCOP vào các hệ thống thương mại.
Ðối với những yêu cầu lớn của cơ chế thị trường, song song với chất lượng sản phẩm thì mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm là yếu tố được chú trọng. |
Kế hoạch được tổ chức thực hiện theo 4 nội dung hỗ trợ chính: Hỗ trợ các chủ thể xây dựng tiêu chuẩn, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; Hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Ông Phan Hoàng Vũ thông tin, nằm trong chuỗi giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại Cà Mau, Sở NN&PTNT triển khai kế hoạch phối hợp với Phân hiệu Trường Ðại học FPT tại TP Hồ Chí Minh (FUHCM) thực hiện Dự án “Ðồng hành cùng Chương trình OCOP Cà Mau năm 2024”. Mục tiêu quan trọng của kế hoạch là, hỗ trợ phát triển Chương trình OCOP tỉnh Cà Mau, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, tạo ra nhiều giá trị mới, đặc biệt là giúp chủ thể OCOP nâng cao năng lực trong phát triển kỹ năng thương mại, xây dựng thương hiệu, từng bước số hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, cung cấp các nguồn lực nhằm giúp khai thác tối đa tiềm năng của Chương trình OCOP mang lại cho các chủ thể, địa phương. Lồng ghép vào hoạt động khoá luận tốt nghiệp, mang lại trải nghiệm thực tế cho sinh viên, thực hiện mục tiêu đóng góp giá trị, phục vụ xã hội của Trường Ðại học FPT TP Hồ Chí Minh.
Những nội dung sẽ được thực hiện theo kế hoạch là tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP nghiên cứu thị trường; xây dựng kế hoạch marketing và triển khai hoạt động marketing...; phát triển kênh phân phối (thương mại điện tử, livestream), kênh quảng bá sản phẩm (mạng xã hội, hội chợ xúc tiến thương mại); hướng dẫn kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, bao gồm thuyết trình, trình bày, giới thiệu sản phẩm; hướng dẫn trực tiếp (cầm tay chỉ việc) cho các chủ thể OCOP kỹ năng sử dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ tư vấn, lập hồ sơ đánh giá nâng hạng sản phẩm; xây dựng nhận diện thương hiệu, câu chuyện thương hiệu, bao bì sản phẩm...
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, Chương trình OCOP đã có những thay đổi lớn với những yêu cầu cao hơn. Tin rằng, với những nhìn nhận thực tế, cùng với hoạt động kiến tạo quản lý và những giải pháp hỗ trợ được triển khai, chương trình OCOP của Cà Mau sẽ có những bước tiến mới, vươn xa và bền vững hơn./.