Vĩnh Phúc: Phát huy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi
Sản phẩm mật ong đông trùng hạ thảo huyện Tam Đảo |
Với kinh nghiệm hơn 16 năm nuôi gà, nguồn nguyên liệu gà dồi dào, chất lượng sẵn có ở địa phương và các vùng lân cận, cộng quyết tâm làm giàu từ sản phẩm đặc trưng của địa phương, anh Ngô Văn Phước, quê ở thị trấn Lập Thạch đã xây dựng thành công thương hiệu “A Phớt - Gà đồi Lập Thạch ủ muối".
Lấy chất lượng, an toàn thực phẩm lên hàng đầu, mọi khâu sản xuất từ chọn nguồn nguyên liệu đến chế biến, đóng gói, bảo quản đều được tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Sản phẩm của cơ sở anh Phước được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng; hiện, trung bình mỗi tháng xuất bán được hơn 5.000 sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, được sự hỗ trợ của cán bộ địa phương, anh Phước đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ để tham gia Chương trình sản phẩm OCOP với mong muốn đưa các sản phẩm gà ủ muối đến nhiều hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Xác định thực hiện chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, huyện Lập Thạch đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có thêm từ 2 - 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, huyện chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia chương trình tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình...
Trên cơ sở đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 sản phẩm OCOP của 4 chủ thể được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh bao gồm cá thính Dũng Hoa, dấm cao cấp Thủy Phương, thịt lợn quế Bình Minh, xúc xích thảo quế Bình Minh, bánh gạo rang Tiên Lữ.
Huyện đang tiếp tục hướng dẫn chủ thể của 4 sản phẩm hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP bao gồm gà ủ muối A- Phớt (Văn Quán), cá thính (Xuân Lôi), thanh long ruột đỏ (Xuân Hòa), bánh đa Triệu Đề.
Với mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn sẽ có từ 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, hướng tới mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm OCOP, huyện Sông Lô tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai chương trình sản phẩm OCOP cấp xã.
Tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán của người dân, phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện có của huyện; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm...
Sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo động lực thôi thúc các chủ thể mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Đến nay, huyện Sông Lô đã có 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thanh Long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh, thanh Long ruột đỏ Tân Lập, nước uống đóng chai AQUA Thác Bay, ổi Đôn nhân, giò lụa Phương Khoan, cá thính Cao Phong và mật ong Núi Thét.
Qua nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP như "luồng gió mới" tiếp sức cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương có thêm điều kiện tạo ra các sản phẩm OCOP với năng suất cao, chất lượng tốt; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn; tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Đạt được kết quả khích lệ là vậy, song, việc phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương này còn nhiều khó khăn, hạn chế. Không chỉ số lượng sản phẩm tham gia còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà ngay cả những sản phẩm OCOP đã được công nhận cũng chưa có sức hấp dẫn cao với nhiều khách hàng; số lượng, sản lượng tiêu thụ còn khá khiêm tốn; chưa tạo động lực khuyến khích chủ thể tái đầu tư quy mô lớn.
Minh chứng là mới đây, có tới 4 sản phẩm OCOP của 3 chủ thể tại 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch bị đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP.
Nguyên nhân do theo quy định hết thời hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu muốn duy trì chứng nhận sản phẩm OCOP thì bắt buộc các chủ thể phải nộp hồ sơ để đánh giá, công nhận lại, song, 4 sản phẩm này đã không nộp hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng lại theo đúng quy định.
Mặt khác, chương trình còn chưa được nhiều chủ thể biết đến. Quá trình sản xuất, quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ KHKT chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã sản phẩm chưa đồng đều; chưa hình thành mối liên kết "4 nhà"...
Thời gian tới, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho lãnh đạo DN, HTX, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình; vận động, hỗ trợ các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng được nhiều người biết đến.