Bún, phở gạo lứt khô - Đặc sản của làng nghề truyền thống Minh Khai
Bún, phở gạo lứt khô ở làng nghề truyền thống Minh Khai (huyện Hoài Đức) được sản xuất theo quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Đỗ Quyên |
Từ những năm 1960, người dân nơi đây đã bắt đầu nghề làm miến. Trải qua 64 năm, đến nay, nghề làm bún, phở khô ở xã Minh Khai được các thế hệ "cha truyền, con nối", tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề ngày càng lớn mạnh hơn và sản xuất theo hướng hiện đại.
Xã Minh Khai hiện có hàng chục hộ sản xuất bún, phở khô, bình quân mỗi hộ làm từ 0,5 đến 1 tấn bún, phở khô/ngày. Đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững, ổn định cho người dân trong xã. Đặc biệt, có những hộ đã vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Điển hình là hộ anh Đỗ Danh Chí ở thôn Minh Hòa 1, vừa làm kinh tế giỏi, vừa là hộ đi đầu trong việc ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh bún phở khô Danh Chí (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) sản xuất gần 1 tấn sản phẩm/ngày. Ảnh: Đỗ Quyên |
Sinh ra trên mảnh đất làng nghề, ngay từ nhỏ, anh Chí đã gắn bó với nghề làm bún, phở khô. Khi trưởng thành, anh Chí đúc kết được kinh nghiệm trong sản xuất và quyết tâm làm giàu từ chính nghề của làng. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mở rộng quy mô sản xuất, anh cùng gia đình đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ trị giá gần 1 tỷ đồng. Trước đó, cơ sở sản xuất chỉ có 2-3 người trong gia đình làm thủ công, đến nay, anh Chí đã thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở khô Danh Chí và tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, thời vụ với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm bún gạo lứt của cơ sở sản xuất, kinh doanh Danh Chí luôn sử dụng nguyên liệu là gạo mới, chất lượng cao, không sử dụng bất kỳ phụ gia, hóa chất nào trong quá trình sản xuất, nên sợi bún dai, ngon có màu sáng đẹp tự nhiên. Vì vậy mà sản phẩm bún gạo lứt của cơ sở được người tiêu dùng biết đến, yên tâm, tin tưởng sử dụng. Đến nay, sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước với sản lượng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi năm.
Sản phẩm bún, phở gạo lứt khô ở làng nghề truyền thống Minh Khai (huyện Hoài Đức) được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đỗ Quyên |
Với mong muốn mang đến cho thị trường sản phẩm bún, phở khô để chế biến cùng các nguyên liệu khác như rau, củ, thịt lợn, thịt gà… thành món ăn ngon, cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở khô của gia đình anh Đỗ Danh Chí đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm bún, phở gạo lứt.
Theo anh Chí, trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng khá chuộng sản phẩm bún, phở gạo lứt, do chất lượng dinh dưỡng, giúp giảm cholesterol xấu, cải thiện hệ thống miễn dịch… Tuy nhiên, cũng xuất hiện tình trạng sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu kém chất lượng để cạnh tranh, giảm giá thành. Do đó, anh đăng ký tham gia sản phẩm OCOP với cam kết sử dụng nguyên liệu trong nước, có chất lượng, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Sản phẩm bún, phở gạo lứt của cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở khô Danh Chí đạt OCOP 3 sao vào năm 2022. Từ đó đến nay, sản phẩm bún, phở gạo lứt của anh Chí được thị trường biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ sản phẩm tăng hơn. Anh Chí cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đẹp hơn, đăng ký tham gia OCOP để có sản phẩm đạt 4 sao trở lên.