Nhiều sản phẩm đặc trưng tại Lâm Đồng được cấp chứng nhận OCOP
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các chủ thể thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các kênh quảng bá, bán hàng giúp mở rộng thị trường; đồng thời mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
![]() |
Trước đó, 13/3, UBND huyện Đức Trọng tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp huyện đạt sao đợt 2 năm 2024.
Cụ thể, có 2 sản phẩm, gồm: Khoai lang cấp đông, bó xôi cấp đông của Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Lâm Đồng tham gia đánh giá, phân hạng, đề xuất công nhận đạt hạng 5 sao. Đồng thời, công nhận 7 sản phẩm, gồm: Ớt chuông An Phú, cà chua Beef An Phú, dưa leo baby An Phú của HTX dịch vụ nông nghiệp An Phú (xã Hiệp An); cà chua Chala của địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Lương Tùng (xã Tân Hội); nho Bồng Lai Farm của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Thành (xã Hiệp Thạnh); nấm Hồng Chi (nấm Linh chi đỏ) của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất thương mại dịch vụ xuất khẩu DCS – xã Tà Hine; thịt bò sấy ăn liền vị cà phê của hộ kinh doanh chế biến thực phẩm Tà Năng – Phan Dũng (xã Đa Quyn) đạt hạng 3 sao.
Theo UBND huyện Đức Trọng, chương trình OCOP đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, người dân và các doanh nghiệp, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa huyện, nhất khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, còn tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của huyện.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai chương trình đến các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có nhu cầu xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, lồng ghép việc hướng dẫn, tư vấn, vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã lập các hồ sơ, thủ tục để được công nhận sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ nông sản của của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các xã đều có ít nhất 01 sản phẩm OCOP được công nhận, toàn huyện có ít nhất 50 - 60 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 1-2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.
![]() |
Vào tháng 12/2024, Hội đồng OCOP huyện Bảo Lâm đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định và trao chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2024 cho các chủ thể trên địa bàn.
Theo đó, trong năm 2024, huyện Bảo Lâm có 34 sản phẩm của 14 chủ thể được trao chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm được trao chứng nhận OCOP hạng 3 sao lần này là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương như trà Olong, cà phê, sầu riêng, mật ong, nước cốt mật ong và các loại rau sạch.
Các sản phẩm OCOP hạng 3 sao tiếp tục là những sản phẩm nông thôn tiêu biểu, được chủ thể nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu website, hệ thống bao bì, tem nhãn...
Được biết, đến nay, huyện Bảo Lâm đã có 64 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm OCOP được khách hàng ưa chuộng, tin dùng nhờ chất lượng, mẫu mã sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định vị thế nông sản của địa phương.
Tin mới hơn

Tin khác













