Ninh Bình: Xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm đặc trưng
Sản xuất gốm tại HTX gốm Bồ Bát, xã Yên Thành (Yên Mô). |
Từ lâu khi nhắc đến ẩm thực của Ninh Bình, nhiều người đều biết đến món thịt dê. Thịt dê Ninh Bình nổi tiếng thơm ngon nhờ các điều kiện độc đáo của khu vực địa lý. Dê Ninh Bình được chăn nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, tự do tìm thức ăn là các loại thực vật mọc trên đồi núi và bãi chăn thả. Tuy nhiên, việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm nên chưa tạo dựng được thương hiệu cũng như hình thành chuỗi liên kết khép kín.
Trước yêu cầu và đòi hỏi khách quan của thực tiễn, tháng 2/2022, Liên hiệp HTX dê Ninh Bình ra đời nhằm hiệp lực phát triển quy mô sản lượng đàn dê; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản và đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao; xây dựng và phát triển thị trường tiêu thụ rộng lớn toàn quốc và phục vụ xuất khẩu. Liên hiệp HTX Dê Ninh Bình là nơi hội tụ những cá nhân và tổ chức tâm huyết với công tác chăn nuôi, chế biến, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về thịt dê.
Cách đây 5 năm, khi chọn con dê để chăn nuôi, gia đình anh Đinh Văn Phong ở xã Đức Long (Nho Quan) thực hiện theo hướng tự phát, tự cung, tự cấp. Anh Đinh Văn Phong cho biết: Từ khi tham gia Liên hiệp HTX dê Ninh Bình, gia đình tôi được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện từ các cấp chính quyền, cũng như Liên minh HTX tỉnh, hỗ trợ gia đình về con giống, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật để chăn nuôi theo hướng hữu cơ, dê thảo dược. Đặc biệt, được Liên hiệp HTX dê bao tiêu đầu ra sản phẩm, giúp bà con yên tâm đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất. Liên hiệp HTX dê Ninh Bình tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã thu hút 10 thành viên tham gia với quy mô lên hàng nghìn con dê.
Bà Lê Minh Trang, Chủ tịch Liên hiệp HTX dê Ninh Bình cho biết: Thực hiện chủ trương của Liên minh HTX tỉnh về phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, Liên hiệp HTX đã hỗ trợ bà con về con giống, quy trình sản xuất, chăn nuôi theo hướng thảo dược. Hiện nay, Liên hiệp có nhiều thành viên tham gia và một số HTX nhỏ được hỗ trợ quy trình nuôi dê. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi dê, thời gian tới, Liên hiệp HTX sẽ hướng tới xây dựng chuỗi các sản phẩm chế biến sâu từ thịt dê, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Để sản phẩm thịt dê của Ninh Bình trở thành sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của địa phương.
Nhắc đến làng nghề gốm Bồ Bát hôm nay chắc hẳn ai cũng biết đến Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vang, Giám đốc HTX gốm Bồ Bát - người đã có công góp phần "hồi sinh" lại làng nghề gốm Bồ Bát vốn đã bị "thất truyền" và đang trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Với sự quan tâm, giúp đỡ của các nghệ nhân có tâm huyết, đến năm 2003, anh Vang học thành nghề, trở về quê hương dựng nghiệp.
Năm 2004, anh Vang đã tuyển 10 lao động có tình yêu với gốm ra Bát Tràng học nghề và bắt đầu manh nha sản xuất gốm tại quê hương. Năm 2011, sau khi chuẩn bị tốt các điều hiện cho sản xuất như nhà xưởng, nhân công, máy móc, nguyên vật liệu, anh Phạm Văn Vang đã thành lập HTX, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 300m2 nhà xưởng, mua sắm thêm lò nung, máy nghiền đất…, tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang, gốm Bồ Bát dần được phục hồi và tạo nên được chỗ đứng trên thị trường.
Đặc biệt, năm 2014, sau khi tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận làng nghề gốm cổ Bồ Bát là nghề truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho anh Vang trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về gốm và thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia học nghề, làm nghề. Vì vậy, thời gian này làng nghề gốm Bồ Bát hoạt động trở lại sôi động hơn.
Hiện nay, đối với công đoạn sấy thành phẩm, để tận dụng nhiệt lượng, HTX đã lắp đặt thêm thiết bị thu nhiệt, nhiệt độ thải ra ngoài môi trường sẽ giảm xuống, do đó giảm được nguồn năng lượng lãng phí vào môi trường, nhiệt lượng tận dụng được dùng để gia nhiệt cho quá trình sấy. Việc làm này không chỉ tiết kiệm nhiên liệu mà còn giảm khí độc phát thải ra môi trường. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp đơn vị giảm được chi phí trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.
Ngày nay, gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường thế giới như Mỹ, Nhật… Sự hồi sinh và sức sống của làng nghề gốm góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã và phát triển kinh tế địa phương, khẳng định được thương hiệu làng gốm cổ Ninh Bình. Sản phẩm gốm Bồ Bát đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Với vai trò là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi cho các thành viên HTX, Liên minh HTX tỉnh đã luôn đồng hành cùng các HTX trong việc hỗ trợ tư vấn, định hướng ngành nghề kinh doanh, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Đặc biệt, thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đều được các HTX tích cực tham gia, có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Việc công nhận sản phẩm OCOP đã giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng, doanh thu tăng cao, khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: mật ong Cúc Phương, na dai Phú Long, cơm cháy Xích Thổ, rượu Lai Thành, Kim Sơn.
Đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Thực tế cho thấy, việc tập trung xây dựng thương hiệu đặc trưng đang là hướng đi mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế mà còn khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.
Vì vậy, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với các HTX trong việc định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm riêng có mang nét đặc trưng của địa phương, để khi nhắc tới mỗi sản phẩm đó, người ta sẽ nhớ tới đó là sản phẩm của Ninh Bình.
Với sự năng động, nhạy bén, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong tỉnh đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế thị trường bằng việc xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm đặc trưng của địa phương.