OCOP Bắc Giang: Tăng cường quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm
OCOP Bắc Giang dồi dào tiềm năng phát triển
Thực hiện chỉ đạo này, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng, phát triển và nâng cao các sản phẩm OCOP đạt được kết quả tốt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bằng cách làm sáng tạo và qua các hội nghị xúc tiến thương mại, ngoài vải sớm được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu.
Tỉnh Bắc Giang sở hữu 117 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, ngay từ đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và giao cho Sở NN-PTNT chủ trì. Theo kế hoạch, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về chương trình trên phạm vi toàn tỉnh để cán bộ, người dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế tích cực tham gia thực hiện.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường cũng như tiếp tục xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Vải sớm Tân Yên - sản phẩm OCOP Bắc Giang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Tiếp đó, đến đầu tháng 11/2021 , UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu khác như: Ổi lê Tân Yên, vú sữa Tân Yên, măng Lục Trúc, sâm Nam Núi Dành,… cũng đã được kết nối để rộng đường vươn ra thị trường lớn.
Tại Hội nghị này, có 57 văn bản được ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản, hàng loạt sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương được kết nối, mở rộng được thị trường tiêu thụ không chỉ tại Bắc Giang mà còn vươn ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trước đó, địa phương này đã 2 lần tổ chức thành công hội nghị tiêu thụ vải sớm và vải thiều chính vụ bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bắc Giang tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đại diện Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, với phương châm sản xuất sản phẩm an toàn có chất lượng cao, huyện Tân Yên cam kết chỉ đạo sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm số lượng và chất lượng, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.Các sản phẩm OCOP Bắc Giang đều được đầu tư xây dựng bao bì đẹp, có tem truy xuất và được hỗ trợ xây dựng 1 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP. Để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Chương trình, 100% các xã, thị trấn được chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại,… Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ổi Tân Yên - sản phẩm OCOP Bắc Giang đã có mặt tại nhiều kênh tiêu thụ lớn
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, sau 3 năm tích cực thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã có 117 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao, 83 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2021, đợt 1 UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận cho 22 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt 1 năm 2021, trong đó 10 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng được 3 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể và hàng trăm nhãn hiệu thông thường, với 52 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của các địa phương.
Để chương trình OCOP đi vào thực chất và hiệu quả hơn, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ gần 74 tỷ đồng cho 68 lượt hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, công trình giao thông, thủy lợi phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Đồng thời, hỗ trợ trên 50 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ quy mô lớn liên tỉnh, liên quốc gia giúp đẩy mạnh tiêu thụ nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương.