Phú Yên: OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi của tỉnh là Sơn Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh đều có nét riêng, độc đáo mà các địa phương khác không có, với những cách làm sáng tạo riêng cùng các giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi chưa được khai thác, phát triển, một số sản phẩm vẫn còn ở dạng tiềm năng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng, cho biết: Với mục tiêu hướng đến mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế và điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán của người dân. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 34 sản phẩm OCOP của 13 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao.
Sản phẩm bò một nắng huyện Sông Hinh đạt OCOP 3 sao |
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Hinh Lý Thị Thu Hằng chia sẻ: Thời gian qua, huyện định hướng cụ thể trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng. Huyện triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, trang bị kiến thức và kỹ năng trong đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP. Địa phương cũng lựa chọn sản phẩm phù hợp nhằm tiến tới xây dựng và phân hạng sản phẩm. Hiện các sản phẩm được xếp hạng OCOP đều là những nông sản mang tính đặc trưng của Sông Hinh như: sầu riêng, bưởi da xanh, hạt mắc ca, nhãn hương, cam sành, ổi...
Chương trình OCOP là cơ hội để các chủ thể khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Năm 2024, tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; đồng thời hỗ trợ các chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm.
Các địa phương tập trung trang bị kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu thị trường.
Quảng bá sản phẩm OCOP Phú Yên đến người tiêu dùng |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy, cho hay: Để sản phẩm OCOP của khu vực miền núi phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa là câu chuyện không hề dễ. Thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, huyện sẽ tăng cường khai thác sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, các sản phẩm của làng nghề, hợp tác xã; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Huyện cũng đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá và sẽ công nhận thêm ít nhất 14 sản phẩm OCOP như: bưởi da xanh, trà dung, dệt thổ cẩm, bánh tráng, cà phê vào cuối năm nay.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên, bày tỏ: Khó khăn lớn nhất trong xây dựng sản phẩm OCOP ở miền núi là thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho chủ thể. Hiện các sản phẩm chủ yếu vẫn tiêu thụ trong tỉnh, chưa vươn ra ngoài tỉnh nhiều. Trong khi đó, để trở thành sản phẩm OCOP không thể bó hẹp phạm vi tiêu thụ trong một địa phương. Do vậy, các địa phương cần phải chủ động phối hợp với các ngành; đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định.
Giới thiệu sản phẩm OCOP Phú Yên tại các hội chợ thương mạị |
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì, hỗ trợ mã QR, tem truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP cũng được thương mại hóa và thường xuyên được quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ thương mạị, hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến. Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh tập trung hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương.