Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu OCOP
Phấn đấu có thêm 70 sản phẩm OCOP
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 191 sản phẩm đạt OCOP còn thời hạn, trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao; 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP; có 120 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 19 doanh nghiệp, 34 hợp tác xã, 67 cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh; có 130/191 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6 điểm; xã hội hóa 100% 7 điểm).
Quảng Ngãi có 191 sản phẩm đạt OCOP còn thời hạn |
Để triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 69 về Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi.
Kế hoạch với mục đích hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.
Thời gian tới, Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao (trong đó có 4-6 sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao; có 1-2 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao cấp Trung ương). Củng cố, phát triển, nâng cao năng lực khoảng 50 chủ thể tham gia phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử).
Có 1-2 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên là của các làng nghề/ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề/ngành nghề địa phương. 100% các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao |
Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP xanh
Trên cơ sở Kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP của tỉnh) đề nghị các đơn vị, địa phương phải dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về giá trị, lợi ích việc phát triển sản phẩm OCOP. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng “Phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương”.
Da dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Chương trình OCOP thông qua các ấn phẩm, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, hội thi tìm hiểu. Từ đó, góp phần tôn vinh các giá trị đích thực tốt đẹp của Chương trình OCOP tới người dân; chia sẻ về cách làm hay, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa địa phương.
Tổ chức triển khai Chu trình OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương; tập trung hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP.
Quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP |
Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn và khai thác các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa (làng/xã).
Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa theo thứ tự ưu tiên: Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; đặc biệt khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP đặc trưng.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, trong đó tập trung vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường; bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh để phát triển bền vững.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu OCOP; tổ chức hoạt động quảng bá, nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động hiệu quả, thiết thực; ưu tiên các sự kiện gắn với quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch đặc sắc của địa phương; căn cứ vào điều kiện của địa phương, hỗ trợ xây dựng và hình thành các “điểm đến” quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch có lợi thế; khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các hoạt động đối ngoại, các sự kiện của địa phương theo quy định.