Quảng Ninh: Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Nhấn mạnh vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM nhằm mục đích nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng NTM, tạo động lực cho phát triển bền vững cho địa phương
Hội chợ OCOP Quảng Ninh - một trong những kênh xúc tiến thương mại quan trọng cho các sản phẩm từ khu vực kinh tế nông thôn |
Đến nay, chương trình OCOP ở Quảng Ninh đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tiếp tục tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Các sản phẩm OCOP ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp (HTX) mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao doanh thu. Không dừng lại ở đó, chương trình OCOP Quảng Ninh đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Xác định OCOP là chương trình kinh tế nông thôn quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã lập, phê duyệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường phổ biến chính sách hỗ trợ chương trình của tỉnh, phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn, công nhận thêm từ 30 đến 40 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó ít nhất có từ 1 đến 2 sản phẩm đạt 5 sao đề xuất dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia... bảo đảm từ 85-90% sản phẩm được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Lan tỏa chương trình OCOP
Nhằm đưa các sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật... vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước khẳng định được thương hiệu riêng, nâng tầm các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng trong nước. |
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 566 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 267 sản phẩm cấp chứng nhận hạng sao, 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao và 3 sản phẩm hạng 5 sao Trung ương.
Trong năm 2023, hội đồng thẩm định Trung ương đã tiến hành đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, Quảng Ninh có 7 sản phẩm tham dự đánh giá. Theo kết quả đợt 1, Quảng Ninh có 2 sản phẩm thuộc nhóm ẩm thực là: Trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty Lâm sản Đạp Thanh; trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty Thương mai dịch vụ xuất nhập khẩu Quy Hoa đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua. Trong đó, sản phẩm trà hoa vàng Quy Hoa đã được chứng nhận 5 sao cấp quốc gia.
Ngọc trai Hạ Long – Sản phẩm đạt chất lượng OCOP 5 sao |
Có thể nói, chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Cùng với Chương trình xây dựng NTM, OCOP Quảng Ninh đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương, tạo nguồn thu, sức bật cho nông sản tỉnh Quảng Ninh vươn ra thị trường trong và ngoài nước.