Ý thức bảo vệ mã số vùng trồng của nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân chưa cao
Hội nghị phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - chia sẻ tại hội nghị "Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu" tại TP.HCM ngày 20-4.
Hiện nay, trên cả nước có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố; 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các nước nhập khẩu ngày càng nâng cao rào cản kỹ thuật, buộc Việt Nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng diện tích vùng trồng và số lượng cơ sở đóng gói, chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát các vùng, nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc thực hiện mã số vùng trồng chưa cao. Cụ thể như trái sầu riêng, nhiều nông dân cho rằng không xuất khẩu được thì vẫn có thể bán trong thị trường nội địa. Vì thế nhiều người không mặn mà việc thực hiện mã số vùng trồng.
"Ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa cao. Vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận mã số", ông Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.
Sản phẩm có mã số vùng trồng
Thu hồi mã số vùng trồng do không đạt yêu cầu kỹ thuật
Hiện nay, các mã số vùng trồng không chỉ phải chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu. "Các nước nhập khẩu có tần suất giám sát khác nhau từ hằng tháng tới hằng năm. Riêng Trung Quốc, việc giám sát diễn ra định kỳ hằng tuần đối với các tỉnh có sản lượng nhập khẩu lớn hoặc các cá nhân từng có lịch sử vi phạm", bà Hương nói. Cụ thể, mỗi tuần Trung Quốc sẽ chọn ra 18 - 24 mã số vùng trồng bất kỳ theo chuyên đề như sầu riêng, chanh leo, ớt, khoai… và việc giám sát thường diễn ra online.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt kiến thức về quản lý sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ. Nhiều nơi đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng dẫn đến nhiều đơn vị không ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Mải mê chạy theo mã số vùng trồng mới bỏ quên mã cũ
Một trong những nguyên nhân lớn khác khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp. Điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra. Nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6. Chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tiếp đó, vệ sinh vườn trồng chưa tốt, không thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, không có bể chứa bao bì... Sản phẩm thu hoạch để vào sọt tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, điểm tập kết sản phẩm tạm thời, việc vận chuyển sản phẩm từ khu vực thu hái về điểm tập kết và di chuyển đến chỗ bán không được che đậy.
Kiểm soát mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngày 23/3/2023, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn số 1776/BNN-BVTV về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Với văn bản này, Bộ đã phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương công tác quản lý và cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Ông Hoàng Trung cho biết thêm, việc mượn, mạo danh, gian lận mã số thực tế xảy ra ở nhiều nơi trong thời gian qua. Chính quyền và ngành chức năng địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát. "Nông dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính tự giác, cần xem mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tài sản quý cần gìn giữ, để phòng tránh gian lận mã số phổ biến thời gian qua", ông Hoàng Trung đề nghị.
Mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mã số vùng trồng là chìa khóa xây dựng lòng tin cho nông sản. Nếu nước nhập khẩu phát hiện vi phạm về mã số vùng trồng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành hàng, thậm chí nông sản Việt phải đối diện với nguy cơ mất thị trường.
Mai Hoàng