Bột sắn dây xứ Đoài và hành trình xây dựng thương hiệu OCOP 4 sao
Đổi mới sản xuất tinh bột sắn dây
Bột sắn dây là thực phẩm được nhiều người yêu thích sử dụng nhờ tính mát. Ảnh TL. |
Theo Đông y, bột sắn dây có tên gọi là cát căn có vị ngọt, tính mát có công dụng tăng cường sức khỏe, làm đẹp da… Bột sắn dây được sản xuất từ củ cây sắn dây ta bằng phương pháp xay xát tách bỏ bã, lấy phần tinh bột.
Anh Đỗ Danh Long – chủ cơ sở sản xuất tinh bột sắn dây Minh Khuê Food cho biết: Trước đây, bà con ở địa phương chủ làm nghề sản xuất và chế biến các nông sản thành miến dong, bún phở khô, tinh bột sắn dây… Tuy nhiên, do đa số các hộ sản xuất trong địa phương chỉ làm nhỏ lẻ, lại không chú ý tới bao bì nhãn mác, xây dựng giá trị pháp lý, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh.
Gia đình anh Long đã sản xuất tinh bột sắn dây cách đây gần 35 năm, ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ bán cho lái buôn. Sau nhiều năm mở rộng thì đến những năm 2010, gia đình cũng sản xuất được hàng chục tấn bột để xuất ra thị trường. Tuy nhiên do không chú trọng đến việc tạo tên tuổi cho sản phẩm, mặc dù sản phẩm rất được ưa chuộng, nhưng do không có nhãn mác nên giá bán rất rẻ, lợi nhuận thu được không đáng là bao so với công sức mà cả gia đình bỏ ra. Khách hàng chủ yếu vẫn là người buôn và nhân dân trong địa phương.
Đến năm 2017, cùng với những định hướng của bản thân, dưới sự giúp đỡ của Hội nông dân huyện và Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, anh Long đã đăng ký kinh doanh cho cơ sở sản xuất của gia đình cùng với đó là đem sản phẩm đi kiểm nghiệm, bước đầu tung sản phẩm có mẫu mã ra thị trường. Tuy nhiên do còn non kinh nghiệm trong việc tạo thương hiệu và chưa biết cách tìm thị trường, nên số sản phẩm có nhãn mác bán được rất ít, chủ yếu vẫn phải bán gia công cho các đơn vị khác. Tín hiệu duy nhất đáng mừng, đó là do sản phẩm đã được kiểm nghiệm, đăng ký nên bước đầu đã có những cửa hàng, đơn vị có thương hiệu nhận làm đối tác và mua hàng.
Xây dựng thương hiệu đi cùng sản phẩm chất lượng
Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về sản xuất thực phẩm an toàn; đặc biệt là được tham gia các chương trình quản trị doanh nghiệp do phòng kinh tế, hội nông dân huyện và công ty SBS phối hợp tổ chức. Cơ sở đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp.
Với mục đích xây dựng tốt cho thương hiệu sản phẩm bột sắn dây nhà mình. Tôi đã mạnh dạn thay đổi tên sản phẩm; đăng ký thêm giấy phép kinh doanh cho phù hợp tên sản phẩm;nộp đơn bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm Minh Khuê Food ; đăng ký mã số, mã vạch; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; Cùng với việc tạo khung pháp lý cho sản phẩm cơ sở đã xây dựng lại nhà xưởng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại hơn, đủ khả năng sản xuất cho 5 năm tới.
Năm 2019, cơ sở đầu tư xây dựng thêm một xưởng 2 tầng, nâng tổng diện tích sản xuất lên 700m2. Ngoài ra đã đầu tư thêm 2 phòng sấy rộng 80m2, hệ thống lọc nước công nghiệp được nâng cấp về chất lượng và cả khối lượng.
Riêng về mẫu mã sản phẩm được nghiên cứu kỹ về kiểu dáng, hình thức, cách thức đóng gói, thử qua nhiều lần. Hiện sản phẩm có nhãn mác của cơ sở được đóng gói bằng ba loại: lọ PET, Túi PE, và túi PE giấy. Các dòng sản phẩm này được đóng gói từ 300g cho đến 1kg. Sau khi dùng hết sản phẩm thì đều có thể sử dụng bao bì để dựng các đồ dùng khác đều rất tiện dụng. Với những thay đổi tích cực như vậy sản phẩm Bột sắn dây xứ Đoài của cơ sở Nông sản thực phẩm Minh Khuê Food hiện nay đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao do UBND thành phố Hà Nội chứng nhận./.
Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.