Đan Phượng: 100 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đan Phượng có đồng chí Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng thường trực văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới và các đồng chí đại diện cho các sở, ngành của thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Viết Đạt - Trưởng phòng kinh tế huyện Đan Phượng cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến hết năm 2022, huyện Đan Phượng có 97 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao tiêu biểu như sản phẩm nấm của HTX nấm Nghĩa Minh, hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, nem phùng Thái Cao, kẹo lạc Bảo Ngọc….
Hội nghị đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP huyện Đan Phượng. |
Năm 2023, huyện Đan Phượng tiếp tục rà soát, hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ và đưa vào đánh giá, phân hạng đối với 7 sản phẩm đăng ký gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đến từ 6 chủ thể (trong đó 4 sản phẩm đánh giá lại và 3 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu).
Bảy sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện năm 2023 là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Wewell Kool của Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam (xã Hạ Mỗ); nho hạ đen của Hợp tác xã Sinh Phát Phương Đình (xã Phương Đình); nấm sò nâu (nấm bào ngư nâu) và nấm linh chi đỏ của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng); bưởi tôm vàng của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bưởi tôm vàng Đan Phượng (xã Thượng Mỗ); khoai lang kén của Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất khoai lang kén, khoai tây chiên Huyền Anh; đậu phụ sạch Việt Nam của Công ty TNHH Đậu phụ sạch truyền thống Việt Nam Visoy (xã Liên Hồng).
Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện. |
Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng đều là sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với truyền thống, văn hóa, trí tuệ và bản sắc của địa phương; các sản phẩm từ quy mô sản xuất nhỏ đến quy mô sản xuất trung bình đều đã khẳng định được thương hiệu, vị trí đối với người dân trong và ngoài huyện.
Tham gia hội nghị, các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, …
Tại hội nghị đánh giá, phân hạng, các thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội đã bám sát những tiêu chí đã được quy định để đánh giá một cách khách quan, công bằng đối với tất cả các sản phẩm. Các chủ thể, đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sản phẩm mẫu để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Huyện thực hiện nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu đề ra.
Kết quả, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đã đánh giá 2/7 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao: Nấm sò nâu của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh, bưởi tôm vàng của Hợp tác xã sản xuấ và tiêu thụ bưởi tôm vàng Đan Phượng; 5 sản phẩm còn lại tiềm năng đạt 3 sao.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Wewell Kool của Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam (xã Hạ Mỗ) |
Nấm sò nâu của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2023. |
Ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội chia sẻ, các chủ thể tham gia, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã định vị được thương hiệu sản phẩm. Theo quy định mới TP sẽ được hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm để chuẩn hóa lại những sản phẩm chưa tốt. Bên cạnh đó, hàng năm thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra các sản phẩm chứng nhận của thành phố từ đó những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sẽ được hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm. Nên có thể nói đến nay, chương trình OCOP đã đi vào thực chất, bền vững. Thúc đẩy được đời sống người dân nông thôn, nâng cao thu nhập.
Như vậy, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện Đan Phượng có 13 HTX nông nghiệp được thành lập mới, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho nông sản, 100 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP đạt chất lượng từ 3 trở lên.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ: Hiện nay, huyện Đan Phượng có 42 Tổng số HTX nông nghiệp, trong đó có 3 HTX hoạt động có liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ, có ứng dụng công nghệ cao và 4 HTX có sản phẩm OCOP. Một trong những nhiệm vụ giải pháp của huyện Đan Phượng đến năm 2025 đó là thực hiện các phương án tuyên truyền, vận động người dân giảm dần, tiến tới không chăn nuôi trong khu dân cư gắn với công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường.
Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội