Phú Xuyên (Hà Nội): Phát triển làng nghề gắn với Chương trình OCOP
Từ lợi thế đó, cùng với những hỗ trợ của địa phương, huyện đã có 231 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm từ làng nghề chiếm 70%. Phú Xuyên đang là một trong những huyện dẫn đầu thành phố trong thực hiện Chương trình OCOP.
70% sản phẩm OCOP từ làng nghề
Sản phẩm OCOP từ mây tre đan ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên). |
Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, mỹ nghệ xã Sơn Hà Bùi Xuân Lợi (một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên) chia sẻ, từ khi đồ gỗ mỹ nghệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, cơ sở sản xuất của ông đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ lớn từ phía chính quyền huyện. Các chương trình quảng bá, tham gia hội chợ, hoạt động tập huấn bán hàng online đã giúp cơ sở tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Điều này không chỉ nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tăng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.
Theo thống kê của UBND huyện Phú Xuyên, toàn huyện có 100% làng có nghề. Hiện số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là 25.400 hộ, chiếm 39% tổng số hộ của cả huyện. Kinh tế của các hộ làm nghề thủ công cao hơn so với các hộ thuần nông, ước thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 78 triệu đồng/người/năm. Nhiều làng nghề của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể như: Giày da Phú Yên, bánh kẹo Cổ Hoàng, mộc nội thất Nam Tiến, hương Văn Hoàng…
Thực tế cho thấy, sau khi các chủ thể có sản phẩm được thành phố và huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, tạo được uy tín với khách hàng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường tăng lên, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, duy trì và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP ở Phú Xuyên chủ yếu ở trong nước. Ngoài ra, có một số chủ thể OCOP có sản phẩm xuất khẩu, như: Mây giang đan của Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương và Công ty TNHH Xây dựng và thương mại mây tre Hùng Việt (xã Phú Túc); sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Phước Uyên (thị trấn Phú Xuyên) và sản phẩm Sachi của Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (xã Phúc Tiến).
Hỗ trợ hạ tầng và thương mại
Để khai thác thế mạnh làng nghề phát triển du lịch, Hà Nội đã lên kế hoạch phát triển tổng thể các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nhận thấy lợi thế của huyện là có nhiều làng nghề, phát triển kinh tế làng nghề có vị trí, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện, thời gian qua, Phú Xuyên đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề gắn với Chương trình OCOP và đạt được một số kết quả quan trọng.
Đối với phát triển hạ tầng, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 12 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích hơn 114ha, trong đó có 4/12 cụm đã được thành lập với tổng diện tích hơn 30,5ha. Trong năm 2024, huyện đề nghị thành phố thành lập thêm 4 cụm công nghiệp làng nghề: Phượng Dực (7ha); Sơn Hà (5ha); Văn Hoàng (12,5ha), Nam Tiến (32ha) để hỗ trợ các làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất.
Cùng với đó, Phú Xuyên đến nay đã có 3 xã được UBND thành phố công nhận có điểm du lịch làng nghề là: Nghề may Vân Từ; khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ; giày da Phú Yên. Huyện Phú Xuyên chọn ngày 26-10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống, đến nay đã tổ chức được 8 kỳ lễ hội, vừa tôn vinh, vừa hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, UBND huyện thành lập, khai trương sàn thương mại điện tử huyện có tên miền là http://phuxuyen.trangvangvietnam.top và đã có 325 doanh nghiệp, cơ sở đăng tin của gần 1.000 sản phẩm (trong đó có 114 sản phẩm OCOP) lên sàn thương mại. Trong những năm gần đây, năm nào Phú Xuyên cũng phối hợp với các sở, ngành của thành phố tổ chức triển lãm, trưng bày, festival về sản phẩm OCOP và làng nghề. Ngoài ra, huyện giới thiệu nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP được chứng nhận tham gia tại các hội chợ do các sở, ngành của thành phố và các huyện bạn tổ chức.
Tuy có nhiều kết quả tích cực, song để Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao hơn, Phú Xuyên mong muốn được thành phố và các sở, ngành liên quan hỗ trợ thêm kinh phí cho huyện triển khai việc đánh giá chứng nhận lần đầu, chứng nhận lại sản phẩm OCOP hằng năm; hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, nông sản, nhất là sản phẩm đã được chứng nhận OCOP…
Với sự quan tâm đầu tư, làng nghề của huyện Phú Xuyên đang ngày càng khẳng định vị thế trong đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, còn dư địa lớn để phát triển sản phẩm OCOP của huyện và thành phố Hà Nội.