Cần Thơ: Nghệ thuật từ "hạt ngọc trắng" Nam Bộ
Anh Khưu Tấn Bửu là người con của vùng đồng bằng Nam Bộ, nơi có ruộng “cò bay thẳng cánh” và “gạo trắng nước trong”. Sinh ra và lớn lên tại Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ), từ thời còn đi học, Bửu sớm đã hình thành tình yêu sâu đậm với “hạt ngọc” quê hương và đam mê hội họa. Lúc trưởng thành, anh vẫn giữ niềm đam mê ấy, khi biết ở TP. Hồ Chí Minh có người đã dùng gạo để tạo hình, anh đã học hỏi và nghiên cứu sáng tạo nên các sản phẩm tranh nghệ thuật từ gạo theo cách của mình.
Anh Khưu Tấn Bửu là thanh niên trẻ đam mê hội họa và giàu tình yêu sâu đậm với “hạt ngọc” Cần Thơ |
Chia sẻ về niềm đam mê mãnh liệt đối với nghề chế tác tranh, anh Bửu cho biết, “Ngày còn học Trung học Phổ thông, mình thường được thầy cô dạy phải biết trân quý thành quả lao động của người nông dân. Năm 2014, tình cờ biết đến tranh gạo qua phương tiện truyền thông, niềm đam mê trong mình lớn dần lên và trở thành động lực khiến mình thử sức rồi gắn bó với nghề”.
Tranh gạo OCOP Cần Thơ là sản phẩm độc đáo kết hợp giữa hạt gạo trắng tinh khôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long với nghệ thuật tạo hình tranh đầy tính sáng tạo. Sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện giá trị tinh thần và giá trị văn hóa độc đáo, là sự trân quý đặc biệt của người thợ, người làm nghề đối với sản vật địa phương. Điều này đã thu hút sự quan tâm và yêu thích từ phía khách hàng, cũng như sự công nhận và hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành địa phương.
Các sản phẩm tranh gạo độc đáo từ Công ty Khưu Tấn Bửu |
Ngày 27/10/2020, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình OCOP thành phố Cần Thơ tổ chức họp đánh giá tranh gạo của Công ty TNHH Một thành viên Khưu Tấn Bửu (chủ sở hữu là anh Khưu Tấn Bửu). Kết quả, sản phẩm đạt công nhận 4 sao trong hệ thống xếp hạng OCOP địa phương, đánh dấu một hành trình sáng tạo nghệ thuật và nỗ lực nâng tầm hạt gạo đầy ý nghĩa.
Tuy nhiên, hành trình phát triển sản phẩm cũng không thiếu khó khăn, thách thức. Trước đó, như đa số thanh niên trẻ cùng thế hệ, Bửu luôn trăn trở giữa việc sống cùng với đam mê hay lựa chọn cho mình một công việc ổn định. Tốt nghiệp ngành tài chính và ngân hàng với tấm bằng Cử nhân, chàng thanh niên 9X cuối cùng cũng không thể “cưỡng lại” tiếng gọi của trái tim và quyết định theo đuổi đam mê. Ban đầu, nhiều người ngỏ ý khuyên nhủ Bửu, rằng ý tưởng sáng tạo tranh từ gạo không khả thi, vừa khó thực hiện, lại dễ hư hỏng. Không nản chí, Bửu đã dùng hết số tiền tích lũy được khi đó (khoảng 30 triệu đồng) để mua nguyên liệu và nghiên cứu học cách tạo tranh qua Internet. Sau nhiều lần thất bại, anh dần đúc kết được từ kinh nghiệm và tạo ra 32 cấp độ màu từ trắng đến đen và tranh gạo rang đầu tiên đã ra đời chỉ sau hai năm.
Anh Khưu Tấn Bửu là thanh niên trẻ đam mê hội họa và giàu tình yêu sâu đậm với “hạt ngọc” Cần Thơ |
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường, đơn vị cũng thường xuyên không ngừng cải tiến, chú trọng nâng cao tay nghề các thợ gia công, đồng thời hướng đến truyền thông, quảng bá sản phẩm trên nhiều nền tảng. Hiện tại, Công ty Khưu Tấn Bửu sở hữu 15 lao động và sáng tạo ra từ 100 đến 150 sản phẩm tranh/tháng.
Bên cạnh việc gắn kết với văn hóa địa phương, tranh gạo OCOP Cần Thơ còn tạo việc làm thêm cho nhiều sinh viên và người có đam mê nghệ thuật, với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Gạo nguyên liệu cũng được đơn vị thu mua từ nông dân địa phương, qua đó tạo liên kết có lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế. Mô hình khởi nghiệp này còn mang đến cơ hội việc làm cho những người có niềm đam mê nghệ thuật, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng nghệ sĩ trẻ tại địa phương.
Sản phẩm được đông đảo khách hàng yêu thích vì tính sáng tạo, độc đáo và có sự kết nối sâu sắc với văn hóa địa phương |
Dự kiến trong thời gian sắp tới, anh Bửu sẽ ra mắt bộ sưu tập tranh gạo “Cần Thơ trong tôi là” hướng đến chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ. Đồng thời, anh cũng dự định sản xuất tranh phù hợp với các sự kiện lớn của đất nước và mở rộng quy mô xúc tiến thương mại trên mạng xã hội qua nhiều kênh truyền thông khác nhau.
Tranh gạo OCOP Cần Thơ không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo, đam mê, và sự kết nối sâu sắc với văn hóa địa phương. Sản phẩm đã và đang góp phần làm phong phú và đa dạng hóa Chương trình OCOP tại TP. Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, vừa khơi dậy phong trào sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ.