HTX chè An Toàn Khe Cốc ưu tiên sản xuất chè hữu cơ
Vùng nguyên liệu chè Khe Cốc |
Vùng chè Khe Cốc, tên vùng trà đặt theo tên con suối Khe Cốc thuộc địa phận xã Tức Tranh, huyện Phú Lương ( tỉnh Thái Nguyên). Nước suối chảy về từ núi Chín Tầng, trong vắt nhìn rõ cá bơi. Trăm năm nay, đây là nguồn nước sinh hoạt của dân bản địa và cũng là nguồn nước ngầm tưới mát cho 120ha đồi chè. Với quyết tâm theo đuổi chiến lược chè sạch, ngay từ khi thành lập, HTX đã chọn phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Khi tham gia chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, các hộ trong HTX tham gia sản xuất sau khi được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật thì đang chuyển đổi sản xuất như sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV theo hướng sinh học. Tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để phục vụ cho việc bón chè sau khi thu hoạch. Qua đó, cây chè sinh trưởng ổn định năng suất bình quân 125 tạ/ha, chất lượng đã được nâng lên. Các vùng sản xuất được tạo vùng đệm cách ly đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn. Từng bước giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV thảo mộc. Hệ sinh thái nương chè bắt đầu có sự thay đổi, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện. Các thành viên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng đầu tư vật tư phân bón để nhất quán phương thức sản xuất.
Làng nghề chè Cụm Khe Cốc, Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. |
Vùng chè Khe Cốc với diện tích tự nhiên là 120ha. Xóm hiện có 143 hộ dân với 512 nhân khẩu, diện tích canh tác 86ha chè kinh doanh. Là HTX đầu tiên ở huyện Phú Lương sản xuất chè hữu cơ, HTX chè An Toàn Khe Cốc đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu (với diện tích khoảng hơn 40ha) từ hướng VietGAP chuyển sang hữu cơ. Hiện này đã được chứng nhận 20 ha sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VN 11041.
Thành viên HTX chăm sóc chè tại HTX chè An Toàn Khe Cốc |
Chia sẻ với phóng viên ông Tô Văn Khiêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc cho biết: “Cách làm đó từng bước giúp sản lượng, chất lượng và giá cả sản phẩm chè được nâng cao. Đời sống bà con đã thay đổi rõ rệt. Trung bình 1ha cho ra sản phẩm khoảng 12 tấn chè/1 năm. Với hướng sản xuất hữu cơ, chè Khe Cốc có vị thơm hơn, nước chè xanh hơn và ngọt vị lâu hơn so với trước đó. Tép chè hữu cơ nhỏ hơn chè trồng Vietgap. Đặc biệt là chè an toàn hơn rất nhiều vì gần như không có tồn dư nhiều hóa chất. Sắp tới HTX có kế hoạch mở rộng diên tích chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041 lên gấp đôi diện tích, đồng thời mở rộng thêm thị trường nước ngoài. Ông cũng mong các cơ quan chuyên môn trong huyện cũng như trong tỉnh sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật để xã viên thực hiện đúng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Ông cũng mong chính quyền hỗ trợ tiếp cận các thị trường mới nhất là thị trường nước ngoài. Đặc biệt là khâu tuyên truyền để khách hàng và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về giá trị của cây chè sản xuất theo quy trình hữu cơ”.
Còn chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tỵ - Trưởng ban làng nghề xã Phú Lương, Giám đốc HTX chè An Toàn Khe Cốc cho biết: “Sau 3 năm tham gia sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản lượng chè có giảm đôi chút nhưng bù lại chất lượng chè tăng gấp đôi. Do đó giá chè cũng tăng gấp đôi nên bà con HTX rất yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, HTX phấn đầu mở rộng diện tích chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam lên 55 ha. Ông mong các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con về kỹ thuật về trích xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu và xúc tiến thương mại để các sản phẩm chè tại Khe Cốc đến với khách hàng nhiều hơn.”
Bà con HTX chè An Toàn Khe Cốc thu hoạch chè |
Hiện nay, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt tại Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 10/01/2023. Trong thời gian tới Làng nghề chè Cụm Khe Cốc cũng như HTX chè An Toàn Khe Cốc sẽ có được nhiều sự hỗ trợ thiết thực để mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây chè. Tin rằng với sự quyết tâm của chính quyền và sự nỗ lực của người dân, trong thời gian tới thương hiệu chè Khe Cốc nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung sẽ được nâng lên tầm cao mới.
(Bài viết được sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên)