Huyện Triệu Sơn hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Hỗ trợ 100 triệu đồng cho 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên… Xây dựng 1 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài huyện…
Tổ chức đấu mối, hướng dẫn các chủ thể tham gia các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm... Là những chương trình hỗ trợ của Triệu Sơn thực hiện những năm qua nhằm khuyến khích các chủ thể và chính quyền các xã tích cực tham gia chương trình OCOP.
Ông Đỗ Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa |
Ông Đỗ Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Địa phương chúng tôi quan tâm tạo điều kiện cho các hộ về mặt cơ chế thông thoáng, động viên tạo quỹ đất cho các sản phẩm có quỹ đất xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm".
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Khi được chứng nhận OCOP đưa ra thị trường được các khách hàng, đơn vị cung ứng tin tưởng hơn, sản phẩm của hợp tác xã thay đổi, tăng sản lượng, thu nhập 40- 50%".
Để đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả, huyện Triệu Sơn đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các đơn vị về chương trình OCOP. Hằng năm, huyện ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và đặt chỉ tiêu cho từng xã thực hiện. Đồng thời, giao cho phòng nông nghiệp cùng các xã lựa chọn sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Huyện cũng luôn quan tâm đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh các sản phẩm sau khi đạt chuẩn OCOP... Đến nay, Triệu Sơn đã thực hiện hỗ trợ 2,6 tỷ đồng cho 26 sản phẩm OCOP của huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 50 sản phẩm OCOP.
Ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa |
Ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Để có nhiều sản phẩm OCOP, hiện nay quan trọng công tác tuyên truyền để người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn sản phẩm nông nghiệp với thị trường có sản phẩm kinh tế cao hơn; sản phẩm đưa ra thị trường mang lại thương hiệu và giá trị".
Chương trình OCOP của huyện Triệu Sơn đã và đang góp phần thúc đẩy, làm thay đổi nhận thức của các chủ thể trong việc phát triển các sản phẩm theo hướng hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự kiến, giai đoạn 2021- 2025, Triệu Sơn sẽ thực hiện hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng cho chương trình OCOP.